Sign In

Blog

Latest News
Phát triển bền vững với ngành Dệt May Việt Nam qua góc nhìn chuyên gia

Phát triển bền vững với ngành Dệt May Việt Nam qua góc nhìn chuyên gia

*Bà Katrien de Baere – Chuyên gia Tư vấn Phát triển bền vững, KPMG Hà Lan

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu (CBAM – EU’s Carbon Border Adjustment Mechanism) là một trong những thành phần trong Thỏa thuận xanh của EU (EU Green Deal) với mục tiêu giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Một trong những vấn đề đáng quan tâm là CBAM tác động thế nào đến ngành dệt may? Bản chất của CBAM là thuế áp dụng trên mức độ phát thải của sản phẩm. Châu Âu áp dụng CBAM để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm tại thị trường châu Âu và vì mục tiêu cân bằng phát thải đến năm 2050, họ sẽ chuyển ra sản xuất bên ngoài châu Âu. CBAM giúp giảm nguy cơ phát thải carbon bằng cách khuyến khích các nhà sản xuất ở các nước ngoài EU xanh hóa quy trình sản xuất của họ. Tuy hiện nay CBAM chưa áp dụng với dệt may nhưng doanh nghiệp trong ngành may mặc cần tiến hành theo dõi, quản lý quy trình sản xuất của mình ngay từ bây giờ vì trong tương lai nhà sản xuất sẽ phải thực hiện cơ chế này.

Trong năm 2024, EU cũng đưa ra quy định về Thiết kế sinh thái (Eco – design) trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may, hạn chế rác thực phẩm trong Farm to fork. Các quy định này đều đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất tương ứng. Eco – design tập trung nhiều vào vòng tuần hoàn của sản phẩm và thiết kế làm sao để sản phẩm đó không dừng ở nước sản xuất mà đến được người tiêu dùng. Sản phẩm tuần hoàn này liên quan nhiều đến nguyên vật liệu sản xuất, đảm bảo thân thiện với môi trường hơn, quy trình sản xuất sạch hơn. Đây là quy định mới ra, rất được quan tâm tại EU với yêu cầu nhà sản xuất phải đảm bảo phát triển xanh, bền vững từ nguyên vật liệu, quy trình sản xuất đến năng lượng sạch trong sản xuất…

Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đề xuất áp dụng công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cho ngành hàng dệt may. Công cụ này nhằm bắt buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu dệt may ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) chịu trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời sản phẩm dệt may, bao gồm cả việc quản lý chất thải dệt may. Mục tiêu của họ là cần có sự đóng góp về tài chính và tùy thuộc vào công ty xuất khẩu hay sản xuất của Việt Nam nằm ở đâu trong chuỗi. Tuy nhiên những chất thải ra của dệt may sẽ được xử lý tại EU chứ họ không xuất chất thải đó ra các nước không có đủ năng lực xử lý. Khi xây dựng được cơ sở vật chất, hạ tầng để có công nghệ, khoa học xử lý chất thải đó tại EU, họ sẽ yêu cầu các nhà sản xuất đóng góp tài chính. Theo đó, các nhà sản xuất dệt may cần tìm kiếm, chuẩn bị được nguồn nguyên liệu bền vững, bởi nguyên vật liệu, sản phẩm càng thân thiện với môi trường bao nhiêu thì việc đóng góp cho xử lý chất thải sẽ giảm đi bấy nhiêu. Còn nếu không, chi phí chắc chắn sẽ bị đội lên cao, dẫn đến nhu cầu hàng dệt may bị suy giảm. Doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang châu Âu có thể sẽ bị giảm sản lượng do cắt giảm đơn hàng.

Liên minh châu Âu (EU) vừa bỏ phiếu cho quy định những sản phẩm khi xuất vào thị trường EU nếu không đạt tiêu chuẩn sẽ bị thu giữ để không phát ra thị trường. Tuy nhiên, khi họ thu giữ sẽ có những khoản phạt nhất định đối với những sản phẩm đó. Quyết định mới được thông qua còn thực thi thế nào phải chờ đợi trong thời gian sắp tới. Các đơn vị sản xuất dệt may nên có sự hợp tác, phối hợp và đàm phán với các khách hàng ở thị trường này để hỗ trợ nhau đạt các yêu cầu về sản phẩm.

*Bà Đỗ Hà – Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Tư vấn ESG, KPMG Việt Nam và Campuchia

Chiến lược của châu Âu hướng tới ngành dệt may bền vững và tuần hoàn đã giải quyết vấn đề về sản xuất và tiêu dùng hàng may mặc, qua đó xác định được tầm quan trọng của ngành dệt may. Chiến lược này giúp thực hiện các cam kết về Thỏa thuận Xanh châu Âu, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn và Chiến lược Công nghiệp châu Âu.

Đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU sẽ có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm chủ yếu từ sợi tái chế, không chưa các chất độc hại và được sản xuất đáp ứng các quyền về xã hội và môi trường. Người tiêu dùng được hưởng lợi từ hàng dệt may chất lượng cao với giá cả phải chăng, thời trang nhanh sẽ lỗi thời, và các dịch vụ tái sử dụng và tái chế mang lại lợi ích về kinh tế sẽ trở nên phổ biến. Trong lĩnh vực dệt may có tính cạnh trang, linh hoạt và đổi mới, các nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình cho đến khi kết thúc vòng đời của sản phẩm, kể cả sau khi sản phẩm bị thải loại. Hệ sinh thái dệt may tuần hoàn đang phát triển mạnh, nhờ có đủ công suất tái chế sợi thành sợi tiên tiến, đồng thời giảm thiểu việc đốt và chôn lấp hàng dệt may.

Chiến lược bao gồm các mục tiêu: Dịch vụ Tái sử dụng và sửa chữa; Sợi tái chế không chứa các chất độc hại; Thời trang nhanh đã không còn là thời thượng; Nhà sản xuất chịu trách nhiệm.

Chiến lược đưa ra yêu cầu thiết kế dệt may và giới thiệu Trách nhiệm mở rộng Nhà sản xuất (“EPR”) bắt buộc và hài hòa hướng đến thiết kế bền vững hơn. Việc thực hiện chiến lược gắn với: Trách nhiệm Mở rộng nhà sản xuất; Rà soát Chỉ thị khung về chất thải (2023); Trao quyền cho người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi xanh; Sáng kiến Tuyên bố xanh; Thiết kế sinh thái theo quy định về sản phẩm bền vững (ESPR); Rà soát Quy định dán nhãn hàng dệt may; Rà soát tiêu chí nhãn mác sinh thái của EU đối với hàng dệt may và da giày; Sản phẩm chống phá rừng (EUDR); Hộ chiếu sản phẩm số.

Về yêu cầu báo cáo bền vững doanh nghiệp (CSRD), CSRD yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải công bố các thông tin phi tài chính theo Tiêu chuẩn báo cáo bền vững châu Âu (ESRS) do EFRAG (Nhóm tư vấn báo cáo tài chính châu Âu) xây dựng. ESRS chỉ ra cách thức và loại thông tin và số liệu ESG mà các thương hiệu thời trang cần báo cáo cho các cơ quan quản lý châu Âu tuân thủ theo CSRD. Tổng cộng có 12 Tiêu chuẩn báo cáo bền vững châu Âu (ESRS). CSRD yêu cầu công bố thông tin liên quan đến nước, ô nhiễm, đa dạng sinh học, và tuần hoàn, cũng như thông tin xã hội liên quan đến công nhân và người tiêu dùng. EFRAG cũng sẽ xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể cho các ngành công nghiệp chịu tác động nhiều nhất, bao gồm dệt may. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn ESRS cụ thể của ngành dệt may sẽ được lùi lại 2 năm. Điều này có nghĩa là các tiêu chuẩn này sẽ được công bố vào năm 2026 thay vì 2024. Điều này không ảnh hưởng đến tiến độ báo cáo CSRD của các thương hiệu may mặc và giày dép.

*Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó Giám đốc, Tư vấn chuỗi cung ứng, KPMG Việt Nam và Campuchia

Việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường, tuân thủ và thúc đẩy một ngành công nghiệp xanh. Trong đó, việc hoạt động hợp pháp, có đạo đức và có trách nhiệm cao chưa đồng nghĩa với việc có một chuỗi cung ứng bền vững. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực môi trường và xã hội.

Để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, bước đầu tiên là lập bản đồ chuỗi giá trị và tăng tính minh bạch của tất cả các bước từ xuất xứ đến bán hàng.

Các doanh nghiệp nên xem xét chuyển đổi chuỗi cung ứng bền vững một cách toàn diện để phù hợp với xu hướng và thách thức hiện tại:

  1. Thiết lập chiến lược và cấu trúc quản trị

Tích hợp các chính sách về chuỗi cung ứng bền vững vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi

  1. Lập bản đồ chuỗi cung ứng và theo dõi thành phần sản phẩm

Phát triển các công cụ kỹ thuật số để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và thu thập dữ liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

  1. Xác định và giảm thiểu rủi ro

Xác định các rủi ro địa chính trị, môi trường và xã hội có thể làm gián đoạn nguồn cung trên mỗi nguyên liệu thô và theo địa lý.

  1. Giám sát và cải thiện hiệu suất nhà cung cấp

Xác định KPI, đặt mục tiêu hiệu suất và đảm bảo việc tuân thủ của nhà cung cấp về các vấn đề môi trường và xã hội.

  1. Tăng cường mối quan hệ với nhà nhà cung cấp

Đào tạo và hỗ trợ, xây dựng năng lực của nhà cung cấp để tuân thủ các quy tắc về ứng xử, quy định và tiêu chuẩn.

Song song với đó cần thiết lập Báo cáo phát triển bền vững nhằm tăng cường sự minh bạch và niềm tin./.

Bài: PV (ghi) 

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You cannot copy content of this page