Cần chính sách hỗ trợ giảm phát thải ngành nhựa
Nhựa là nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm bao bì, hàng tiêu dùng, điện tử, ô tô, hàng không, dệt may và nông nghiệp.
Bà Huỳnh Thị Mỹ – Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA):
Có thể thấy, tái chế bao bì nhựa là một bước khởi động không thể thiếu khi xây dựng và phát triển nền tái chế xanh, hiện đại tại Việt Nam.
Nhưng doanh nghiệp ngành nhựa tái chế cũng còn nhiều điểm hạn chế trong sản xuất. Hiện nay mỗi năm ngành nhựa cần khoảng 4,5-5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS, PVC… chưa kể hàng còn nhiều loại hoá chất phụ trợ khác nhau, trong khi khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 20% số nguyên liệu này.
Với mục tiêu giảm phát thải ròng ngành nhựa, giúp doanh nghiệp giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, tôi cho rằng doanh nghiệp cần đạt được mục tiêu về định mức tiêu hao năng lượng. Làm được điều này, doanh nghiệp cần phải đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, 90% doanh nghiệp ngành nhựa chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn vốn hạn hẹp, do vậy thực hiện điều này rất khó có thể được nhân rộng.
Bên cạnh đó, quy định về tiêu hao điện năng mà các bộ, ngành đưa ra thì gần như ngành nhựa không đáp ứng được. Đến nay, một số doanh nghiệp lớn cho biết không thể đáp ứng được yêu cầu này. Vậy làm sao các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể làm được? Tôi cho rằng cần có một định mức mới phù hợp với thực tế hơn. Thêm vào đó, ngành nhựa còn đối diện với thách thức liên quan đến quy định phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, EPR…
EPR là chính sách đột phá trong quản lý chất thải, đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời EPR thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.
Tuy nhiên, thực hiện các mục tiêu trên rất khó khăn cho doanh nghiệp vì liên quan đến chi phí và giá thành sản phẩm. Do đó, để thực hiện hiệu quả giảm phát thải ở ngành nhựa, chúng tôi cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là những hỗ trợ về cơ chế đầu tư, ưu đãi vốn, thuế, đất đai…