Việt Nam trong hành trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris và đáp ứng các nhu cầu phát triển bền vững cấp thiết
1. Cam kết bền vững và những hành động của Việt Nam
1.1. Bối cảnh thế giới
Cùng với sự phát triển của xã hội, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức và phát triển bền vững ngày càng trở thành một chủ đề lớn, thu hút sự quan tâm của tất cả các quốc gia. Chúng ta đang sống và phát triển trên một hành tinh hữu hạn, do đó, chúng ta cần có cái nhìn sâu hơn về cách quản lý tài nguyên của Trái đất để đáp ứng những nguyện vọng của xã hội và thực trạng dân số đang tăng lên từng ngày, đồng thời đảm bảo rằng các thế hệ hiện tại và tương lai có cơ hội có được chất lượng cuộc sống tốt, khỏe mạnh và phát triển thịnh vượng. Phát triển bền vững không còn là một lựa chọn, mà là một thực tế sẽ thay đổi hoàn toàn cách sống của chúng ta. Trong những năm gần đây đã có nhiều thỏa thuận quốc tế quan trọng tập trung vào phát triển bền vững, trong đó, đáng chú ý là Thỏa thuận Paris – một hiệp ước quốc tế là cơ sở pháp lý toàn cầu về biến đổi khí hậu (BĐKH) được 196 quốc gia thành viên thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 21 ở Paris vào ngày 12/12/2015 và có hiệu lực vào ngày 04/11/2016. Thỏa thuận Paris đưa ra một khuôn khổ hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các quốc gia. Thỏa thuận Paris và 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, nhằm hội tụ tất cả các quốc gia hướng tới mục đích chung chống BĐKH, định hình sự phát triển kinh tế trong tương lai, đảm bảo an toàn và thịnh vượng cho người dân trên toàn thế giới.
Để có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển bền vững, thế giới cần có sự sáng tạo, hợp tác chặt chẽ và quyết tâm của các lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ đặc biệt là ngành tài chính – ngân hàng. Việc thay đổi và thực hiện các nhiệm vụ đó sẽ là một thách thức đối với mọi tổ chức, không phân biệt quy mô và phạm vi mục tiêu bền vững của tổ chức đó.
1.2. Cam kết bền vững và những hành động của Việt Nam
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ tranh thủ các nguồn lực trong nước, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là của các nước phát triển, về tài chính và công nghệ, kể cả thông qua các cơ chế trong khuôn khổ Hiệp định Paris, để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…”.
Việt Nam đang hiện thực hóa tham vọng của mình thông qua việc tham gia nhiều chương trình. Việt Nam đã tham gia vào Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH nhằm cắt giảm phát thải và thích ứng trước tác động của khí hậu. Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo đó, mỗi bên tham gia Thỏa thuận Paris được yêu cầu thiết lập NDC và cập nhật NDC 5 năm một lần. Cam kết hiện tại mà Việt Nam đã đệ trình lên Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) vào năm 2020 bao gồm mục tiêu: Giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính ở mức 9% so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước và tăng mức đóng góp lên 27% với sự hỗ trợ quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, cũng như việc thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.
Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong những quốc gia tham gia tích cực vào Cơ chế phát triển sạch (CDM) của UNFCCC với 254 dự án và 11 chương trình. Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về số dự án CDM đăng ký. Tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính trên 140 triệu tấn CO2 quy đổi. (Hình 1)
Mới đây, vào ngày 14/12/2022, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã đạt thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa carbon đầy tham vọng vào năm 2050, đẩy nhanh việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Theo đó, các đối tác quốc tế sẽ huy động khoản tài chính ban đầu từ các khối công – tư trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 – 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn.
1.3. Mục tiêu và thách thức
Việt Nam có cơ hội không chỉ để thực hiện mà còn vượt qua các quốc gia khác trở thành hình mẫu phát triển. Để có thể làm được điều này, Việt Nam cần đề ra những mục tiêu lớn và mạnh mẽ hơn nữa. Để đạt được mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, ngoài tài chính được coi là yếu tố cốt lõi quyết định quá trình chuyển đổi này, còn có những yếu tố ảnh hưởng và những thách thức khác.
Chúng tôi ước tính rằng, với dự thảo sắp tới của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 8 (PDP8), sẽ có thêm khoảng 20GW năng lượng tái tạo (từ năng lượng mặt trời và gió) so với năm 2020, dự kiến sẽ được lắp đặt vào năm 2030. Ước tính nguồn tài chính cần thiết để đạt được mục tiêu này trong khoảng 15 – 16 tỷ USD mỗi năm tới năm 2030. Đây là một con số lớn cần sự phối hợp từ nguồn tài chính công và tư. Việt Nam kỳ vọng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 5 – 6% hằng năm cho đến năm 2030. Đặc biệt là khi Việt Nam giao thương với các quốc gia phát triển, nơi các quy định pháp lý ngày càng nghiêm ngặt, chi tiết sẽ đặt ra yêu cầu quan trọng về tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social and Governance – ESG). Chương trình tăng trưởng xanh của Việt Nam tập trung vào xanh hóa tiêu dùng, sản xuất và đời sống sẽ hỗ trợ cho mục tiêu này.
Đối với các dự án xanh, thách thức cũng đến từ chi phí đầu tư thường lớn và thời gian thu hồi vốn lâu hơn so với các dự án “tiêu chí xanh thấp”. Vì vậy, đối với các sản phẩm tài chính/tín dụng xanh của ngân hàng cung cấp cho khách hàng, để vừa đảm bảo lợi nhuận vừa đảm bảo tiêu chuẩn phát triển bền vững của các dự án xanh, việc giảm thiểu rủi ro thông qua tài chính hỗn hợp đòi hỏi công tác tổ chức tốt hơn, mức độ quản trị và minh bạch cao hơn. Những cú sốc địa chính trị và kinh tế trên thế giới gần đây có thể làm giảm sự chú ý tới các cam kết khí hậu quan trọng như: Xung đột Nga – Ukraine, gián đoạn nguồn cung năng lượng, phục hồi hậu Covid-19, khủng hoảng lương thực và cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương chống lạm phát và chuẩn bị cho suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra, với lãi suất cao hơn sẽ làm chậm lại các hoạt động kinh tế.
2. Định hướng thực hiện của Chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hưởng ứng, cam kết hỗ trợ của các tổ chức tín dụng (TCTD)
2.1. Định hướng thực hiện của Chính phủ Việt Nam
Tại COP26, tháng 11/2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ trên trường quốc tế về việc Việt Nam đạt mức phát thải carbon ròng bằng “0” vào năm 2050. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm ứng phó với BĐKH, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đã làm gia tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người. Điều này được biểu hiện rõ ràng hơn khi nền kinh tế của đất nước phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài từ các ngành sản xuất liên kết nhằm phục vụ xuất khẩu. Khi các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn và tìm cách xây dựng cơ sở sản xuất bền vững, Việt Nam cần phải có khả năng thực sự cung cấp các cơ sở và dịch vụ xanh. Bên cạnh đó, ô nhiễm khí thải không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe và giảm năng suất mà tình trạng cạn kiệt tài nguyên và các tác động của BĐKH còn gây tổn hại đến thương mại và đầu tư. Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam của World Bank (WB) nhấn mạnh rằng, “việc thực hiện các cam kết quốc tế đầy tham vọng của Việt Nam sẽ đòi hỏi hành động trong các ngành phát thải chính như: Năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất, cũng như sử dụng định giá carbon để thúc đẩy đầu tư”. Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của BĐKH. Các mô hình tại báo cáo cho thấy tổng chi phí kinh tế do BĐKH gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Việc xanh hóa khu vực tài chính, thúc đẩy các dự án tăng trưởng xanh trong các lĩnh vực và đảm bảo các quy trình minh bạch, có thể dự đoán được cho các dự án năng lượng phải là ưu tiên hàng đầu. Để đạt được điều này, Việt Nam cần dành ưu tiên hàng đầu cho việc thiết kế – thực hiện các chính sách toàn cầu, minh bạch và chuẩn hóa, thực hiện cải cách, thay đổi mô hình quản trị để thu hút nguồn tài chính của cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Hiện có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy, Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá đang đi đúng hướng. Việc Lego chọn Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất trung hòa carbon đầu tiên được coi là lá phiếu đầu và sự tin tưởng của doanh nghiệp này vào khả năng cung cấp của Việt Nam. Sự thành công của nhà máy với khoản đầu tư 1 tỷ USD vào lĩnh vực xanh, sẽ thu hút sự chú ý của các công ty đa quốc gia khác đang khẩn trương chuyển đổi sang sản xuất xanh.
2.2. Sự vào cuộc của NHNN và hưởng ứng, cam kết hỗ trợ của các TCTD
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan huy động nguồn lực từ các đối tác, tổ chức tài chính quốc tế phục vụ chiến lược phát triển xanh. Theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng xanh cho các dự án có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Với định hướng, lộ trình này của NHNN và sự nỗ lực không ngừng của các TCTD, tín dụng xanh đang có những bước tiến khả quan và ngày càng được quan tâm với hạn mức đầu tư ngày càng tăng.
Các tập đoàn lớn đã có nhận thức sâu sắc và hành động rõ rệt hơn theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ. Một số ngân hàng thành viên Nhóm Công tác ngân hàng (BWG) đã đưa ra các cam kết tài trợ và đầu tư bền vững trên toàn cầu như: Ngân hàng Standard Chartered (375 tỷ USD), HSBC (750 tỷ USD đến 1 nghìn tỷ USD), Citibank (1 nghìn tỷ USD), MUFG (263 tỷ USD), Mizuho (187 tỷ USD), Woori Financial Group (87,3 tỷ USD). Với vai trò của một TCTD, tại Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, HSBC, Citibank cũng đã cam kết tài trợ để phục vụ quá trình chuyển đổi và phát triển xanh thông qua việc ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và các cơ quan liên quan về chủ đề ESG, cũng như đưa ra cam kết hỗ trợ thu xếp nguồn vốn tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững, doanh nghiệp tại Việt Nam (Ngân hàng Standard Chartered ký Biên bản ghi nhớ cam kết tài trợ 8,5 tỷ USD, HSBC 12 tỷ USD tới năm 2030).
Ngày 07/8/2018, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nêu rõ mục tiêu của ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng và thực hiện các quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; ít nhất 10 – 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; ít nhất 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án xanh. Từ năm 2018, với những định hướng, chỉ đạo từ phía NHNN và sự nỗ lực của các TCTD, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ và chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để đem lại những kết quả khả quan hơn nữa.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN, giai đoạn 2017 – 2021, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với lĩnh vực xanh có tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm.
Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong 12 lĩnh vực xanh mà NHNN định hướng cho các TCTD, dư nợ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (47%) và nông nghiệp sạch (32%). Các TCTD đã tăng cường công tác thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ đã thẩm định đạt gần 2.283 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo khảo sát của NHNN đối với các TCTD về lĩnh vực tín dụng xanh cho thấy, nhận thức tầm quan trọng của các TCTD về lĩnh vực này đã được cải thiện đáng kể, cụ thể: Có 19 TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội, 13 TCTD đã tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; 10 TCTD đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này chủ yếu với kỳ hạn trung, dài hạn và có ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh. Ở thời điểm hiện tại, tín dụng xanh đã nhận được sự quan tâm đúng mức của các ngân hàng thương mại. Nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vay vốn thực hiện các dự án có yếu tố “xanh”. Việt Nam có kế hoạch tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo lên 21% tổng công suất lắp đặt để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh và giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Đây là lý do ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Nhiều ngân hàng cũng bắt đầu có những gói cho vay giá trị lớn để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng xanh.
Theo ước tính của WB tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam cần huy động nguồn lực tài chính thêm khoảng 6,8% GDP hằng năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040, trong đó, cần huy động từ khu vực tư nhân khoảng 50%.
Cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này là thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, tăng dần tỷ trọng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế. Trong quá trình này, sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, TCTD nước ngoài có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn hỗ trợ nguồn tài chính, vốn trực tiếp cho các nhà đầu tư dự án xanh và phát triển bền vững.
3. Một số khuyến nghị
3.1. Lộ trình và khuôn khổ tài chính xanh
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, quá trình thực hiện các kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu cần được củng cố với sự tham gia và hành động thiết thực của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, sự kết hợp các nguồn tài chính từ khu vực công và tư. Để đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn trong đầu tư; đồng thời, khám phá, tiếp cận các nguồn tài chính mới cho BĐKH cũng như lồng ghép các vấn đề về môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp. Trên thực tế, đây vẫn là một thách thức lớn đối với các Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức đang tìm cách thực hiện các chiến lược, kế hoạch và dự án giảm phát thải khí nhà kính. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sứ mệnh quan trọng, hướng tới phát triển bền vững, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường.
Khi Việt Nam đang vươn lên trở thành công xưởng hàng đầu của thế giới, chúng ta luôn phải đặc biệt để tâm đến hai khía cạnh cơ bản, quan trọng cho quá trình này: (i) Một lộ trình nhanh chóng để áp dụng năng lượng xanh; (ii) Một khuôn khổ tài chính xanh phù hợp cho các dự án có khả năng vay vốn ngân hàng. Để làm điều đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, phát triển các công cụ tài chính chuyển tiếp: Đầu tư vào các thị trường mới nổi đặc biệt quan trọng nếu chúng ta muốn có một quá trình chuyển đổi công bằng mà không bỏ lại quốc gia, khu vực hay cộng đồng nào. Thách thức này được nhìn nhận rõ hơn ở châu Á, châu Phi và Trung Đông, là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước BĐKH – và cần tài trợ nhất để đảm bảo tiếp tục phát triển kinh tế song song với giải quyết khủng hoảng khí hậu. Các tổ chức tài chính và thể chế đa phương cần đẩy mạnh để đảm bảo thu hẹp khoảng cách này.
Ngoài việc tăng cường tài chính, câu hỏi cần được giải đáp là làm thế nào để tăng tốc quá trình chuyển đổi cho các công ty lớn. Quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng “0” cho thấy rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng mong muốn có các khuôn khổ, hệ thống chuẩn hóa đo lường mục tiêu Net-Zero (không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển) và chi phí tiết kiệm được từ các hoạt động bền vững, để việc chuyển đổi sang Net-Zero trở nên hấp dẫn hơn về mặt tài chính, sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Ngoài ra, nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ Net-Zero cùng với áp lực ngày càng tăng từ khách hàng trong việc chuyển đổi sang Net-Zero cũng là một yếu tố quan trọng giúp các công ty chuyển sang mức phát thải carbon bằng “0” vào năm 2050. Các công ty này sẽ cần nâng cao các tiêu chuẩn quản trị, chính sách và quy trình của họ để tuân thủ yêu cầu về tính bền vững của các tổ chức tài trợ – cho vay quốc tế. Bên cạnh đó, cần phải tính về vòng đời của một khoản đầu tư hoặc khoản vay, hoặc quá trình bảo lãnh phát hành để xác định điểm có thể tích hợp các yếu tố khuyến khích chuyển đổi.
Hai là, chuẩn bị cho báo cáo theo tiêu chuẩn ESG: Các quốc gia khác tại châu Á – Thái Bình Dương đang nhanh chóng áp dụng hàng loạt các yêu cầu pháp lý về quản lý rủi ro ESG. Dựa trên các thông lệ đang được áp dụng trong khu vực, các TCTD tại Việt Nam cần bắt đầu chuẩn bị các báo cáo theo tiêu chuẩn ESG toàn cầu mới nhất – vốn đã phát triển đáng kể trong hai năm qua, cụ thể là một số tiêu chuẩn hiện hành như sau: (i) Giá trị phi tài chính mà một tổ chức tạo ra cho các bên liên quan; (ii) Báo cáo tổng hợp: Tích hợp trực tiếp các tiêu chí về BĐKH trong báo cáo tài chính; (iii) Đảm bảo tính bền vững.
Ba là, bắt đầu chuyển đổi danh mục đầu tư: Các doanh nghiệp cũng sẽ cần đánh giá tiềm năng chuyển đổi danh mục đầu tư của họ. Chúng tôi cũng khuyến nghị NHNN khuyến khích các TCTD tại Việt Nam thiết lập các công bố thông tin liên quan đến rủi ro khí hậu theo các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm về công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) và thực hiện việc thiết lập mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Bốn là, các yếu tố trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng: Các tổ chức tài chính nên tính đến các yếu tố tác động xã hội khi thẩm định tài chính để đảm bảo quá trình chuyển đổi thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” được thực hiện theo cách thức bình đẳng và toàn diện cho tất cả các bên liên quan.
Các cơ quan quản lý có thể sử dụng nhiều công cụ đa dạng, chẳng hạn như đưa ra những định nghĩa rõ ràng về chuyển đổi xanh, khuyến khích tài chính xanh (ví dụ: chương trình tài trợ, tỷ lệ tài trợ ưu đãi, yêu cầu vốn thấp hơn), xây dựng dữ liệu ESG cùng các giải pháp công nghệ, nâng cao năng lực để có thể góp phần giảm thiểu các rào cản và thách thức trong quá trình thực hiện.
Hơn thế nữa, để các chính sách đạt được hiệu quả, Chính phủ Việt Nam và các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần phối hợp chặt chẽ trên tất cả các khía cạnh có liên quan. Các chính sách môi trường, công nghiệp, năng lượng rõ ràng, minh bạch và đáng tin cậy sẽ giúp thu hút các nguồn vốn và là động lực chính của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
3.2. Chuyển đổi năng lượng bền vững
Chúng ta cần có nhiều bước tiến hơn trong việc tài trợ cho các hoạt động chuyển đổi hiệu quả. Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay, năng lượng bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và các thị trường đang phát triển có tiềm năng lớn để bắt kịp các thị trường tiên tiến trong lĩnh vực này. Tài trợ cho năng lượng bền vững rất quan trọng đối với Việt Nam vì Việt Nam có mức độ sử dụng than lớn và có khoảng 50% mức tiêu thụ năng lượng từ than. Đầu tư và tài trợ cho năng lượng bền vững có thể sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển trung hạn của đất nước.
3.3. Hợp đồng mua bán điện
Một trong các vấn đề trọng tâm đối với các TCTD hiện nay là Hợp đồng mua bán điện (Power Purchase Agreement – PPA). Các TCTD đã nhiều lần kiến nghị tới NHNN và Phòng Thương mại các quốc gia tại Việt Nam về việc khơi thông dòng vốn với các khuyến nghị chính cho bản Dự thảo PDP8 của Việt Nam. Các nhà tài trợ dự án quốc tế truyền thống dường như chưa hoạt động tích cực ở Việt Nam do PPA không có tiêu chuẩn một số bảo lãnh nhất định như thường thấy ở các thị trường phát triển hơn. Dù nguồn vốn trong nước đã hỗ trợ được phần lớn thanh khoản cần thiết, để đạt được mục tiêu kỳ vọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì nguồn vốn quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng hướng tới các mục tiêu này. Chính phủ Việt Nam và NHNN đã kêu gọi và nhận được các kiến nghị của các TCTD quốc tế. Các TCTD đều mong muốn Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính, hỗ trợ tài trợ chuyển đổi với một số khuyến nghị như hướng dẫn chi tiết hơn về định nghĩa xanh, tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn báo cáo, phát triển thị trường trái phiếu xanh, đòn bẩy về tài chính hỗn hợp. Điều này có nghĩa là PDP8 cần cung cấp lộ trình rõ ràng của các dự án, một chính sách cụ thể về đảm bảo tỷ giá hối đoái, khả năng tài trợ năng lượng nhiều hơn đáng kể (tương đương 131 tỷ USD tổng vốn tài trợ và tối thiểu 33 tỷ USD). PPA đạt tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng có thể giải quyết tất cả các thách thức hiện tại của các ngân hàng. Đây là điều kiện tiên quyết cần đạt được để tạo thuận lợi cho các dòng chảy tài chính.
3.4. Hệ thống phân loại tài chính bền vững
Thứ nhất, một hệ thống phân loại tài chính dựa trên cơ sở khoa học tương đồng và sử dụng chung với các hệ thống phân loại tài chính khác (ví dụ: ASEAN, EU) – là một công cụ hữu ích để thúc đẩy và theo dõi dòng vốn hỗ trợ các hoạt động bền vững với môi trường. Đồng thời, khuyến khích tính linh hoạt trong việc các tổ chức nước ngoài cân nhắc áp dụng hệ thống phân loại trong nước hoặc hệ thống phân loại tham chiếu tại trụ sở chính của họ khi 02 hệ thống này cùng có tính thận trọng như nhau.
Thứ hai, khung phát triển bền vững không chỉ hỗ trợ và thúc đẩy tài chính cho các hoạt động xanh mà còn cho các hoạt động chuyển tiếp. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tập trung xây dựng và phát triển một khuôn khổ đáng tin cậy hơn nữa cho hoạt động chuyển đổi.
Thứ ba, Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hội đồng phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy Board) để xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn phân loại tài chính bền vững, nhằm đạt được sự tương đồng, độ tin cậy cao hơn và phạm vi toàn diện hơn cho các hoạt động trong quá trình chuyển đổi.
Tuy nhiên, để phản ánh tốt hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam triển khai sử dụng hệ thống phân loại trong nước trên cơ sở hợp tác tự nguyện – các bên tham gia có thể tham khảo các hệ thống phân loại khác để đánh giá các hoạt động bền vững về môi trường, khi hệ thống phân loại đó đáp ứng tiêu chí thận trọng như hệ thống phân loại của Việt Nam.
Thứ tư, quảng cáo xanh (Greenwashing): Nhiều tập đoàn sử dụng quảng cáo xanh để tăng độ nhận diện thương hiệu của họ. Có ý kiến chỉ trích cho rằng, việc tăng các quảng cáo xanh mà hiệu quả thực chất không tương thích khiến người tiêu dùng hoài nghi về tất cả các tuyên bố xanh. Quảng cáo xanh đã gia tăng trong những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây là một vấn đề cần cân nhắc vì Việt Nam đang thiết lập các khuôn khổ bền vững bao gồm các quy định, luật và hướng dẫn mới nhằm hạn chế các công ty sử dụng hành vi này để lừa dối người tiêu dùng.
3.5. Các tiêu chí đánh giá rủi ro môi trường và xã hội
Tập trung vào thẩm định đánh giá rủi ro môi trường và xã hội (ESRA) phù hợp với khung sản phẩm tài chính xanh và bền vững, với một số khuôn khổ hoạt động chung được liệt kê như sau: (i) Quản lý rủi ro khách hàng theo tiêu chí ESG (ECRM) tiến hành xác minh từ quy trình đánh giá rủi ro môi trường và xã hội (ESRA) áp dụng cho tất cả các khách hàng được cung cấp hạn mức tín dụng, tài chính hoặc dịch vụ tư vấn, bao gồm các tiêu chí bổ sung phù hợp với lộ trình giảm phát thải của ngành phát thải nhiều carbon như hàng không, vận chuyển, dầu khí. Những khách hàng không đáp ứng các tiêu chí sẽ được đánh giá thêm và nếu các yếu tố giảm nhẹ (chẳng hạn như hành động khắc phục rõ ràng và có thời hạn) không được đáp ứng, họ sẽ được chuyển đến nhóm rủi ro danh tiếng và bền vững; (ii) Ngoài các yêu cầu nêu trên, trong khuôn khổ sản phẩm xanh và bền vững, các yêu cầu tiêu chí dành riêng cho sản phẩm đã được đặt ra để đảm bảo rằng nhãn xanh hoặc bền vững (Green – Sustainable Label) chỉ được cấp cho các hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn phát thải trong một lĩnh vực nhất định. Các tiêu chí này được tham chiếu đến các tiêu chuẩn – quy định (ví dụ: Phù hợp với nguyên tắc phân loại của EU, hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chứng nhận xanh (ví dụ: Chứng chỉ BREEAM cho các tòa nhà) hoặc ngưỡng giá trị nội bộ tự đặt ra (ví dụ: Tiêu chuẩn khí thải cho phương tiện giao thông). Khi tồn tại khoảng cách giữa hoạt động của khách hàng và các tiêu chuẩn toàn cầu, các TCTD cần tiếp tục làm việc với những khách hàng sẵn sàng cam kết giải quyết những khác biệt, có thể đồng thuận với TCTD về một kế hoạch hành động rõ ràng và có thời hạn để đạt được việc tuân thủ các tiêu chuẩn, với tốc độ chuyển đổi của mỗi khách hàng khác nhau tùy thuộc vào một trong các yếu tố như: Địa lý, khả năng tiếp cận công nghệ và tài chính, áp lực pháp lý và cổ đông; (iii) Trong quy trình thẩm định ESRA, các TCTD sẽ xác minh xem khách hàng có hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội tương xứng với bản chất, quy mô hoạt động của họ hay không. ESRA cũng bao gồm các câu hỏi cụ thể đối với hoạt động của khách hàng liên quan đến ô nhiễm, tác động đến đa dạng sinh học như nạn phá rừng, yêu cầu liên ngành (cross-sector) đối với khách hàng; (iv) Thông qua khung sản phẩm xanh và bền vững, các hoạt động hỗ trợ và nguồn tiền thu được sẽ được sử dụng nhằm tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương thông qua tài chính vi mô, xây dựng và/hoặc vận hành bệnh viện, phòng khám và trung tâm chăm sóc sức khỏe cũng như xây dựng các cơ sở giáo dục; (v) Đối với những khách hàng không đáp ứng được các tiêu chuẩn dự kiến hoặc có sự hiểu biết hạn chế về rủi ro môi trường và xã hội, các TCTD nên cung cấp hỗ trợ thông qua một nhóm chuyên gia phát triển môi trường và xã hội để xác định các mục tiêu cần cải thiện nếu khách hàng sẵn sàng cam kết thay đổi; (vi) Thông qua việc cung cấp các sản phẩm tài chính xanh và bền vững, các TCTD hướng đến việc cung cấp các ưu đãi cho khách hàng và hỗ trợ họ trong các hoạt động phù hợp với mục tiêu bền vững.
Để Việt Nam đạt được Net-Zero còn rất nhiều cơ hội đi kèm thách thức. Chúng ta không thể xem nhẹ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, khi BĐKH có lẽ là thách thức cấp bách nhất mà thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay và quá trình chuyển đổi sang mức phát thải carbon ròng bằng “0” sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường tương lai. Các hành động nhanh chóng, có ý nghĩa và thiết thực nhằm giảm lượng khí thải sẽ giúp ngăn chặn các tác động tiêu cực nhất của BĐKH. Chính phủ, các bộ và ngành tài chính – ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng cần hành động ngay bây giờ và phối hợp cùng nhau, với những hành động thiết thực như: Đồng hành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung pháp lý về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất – làm cơ sở thẩm định cho các ngân hàng thương mại khi cấp tín dụng xanh. Trên hành trình chuyển đổi này, chúng ta – những doanh nghiệp thuộc khu vực công và tư nhân, cùng với Chính phủ Việt Nam cũng cần tổ chức, sắp xếp linh hoạt và hài hòa trong việc chuyển giao công nghệ và triển khai kỹ thuật. Một lần nữa, tác giả xin nhấn mạnh rằng với sự hỗ trợ của Chính phủ, tín dụng xanh cần được đẩy mạnh và sự chung tay hành động thiết thực của khối tư nhân trong nước kết hợp với nguồn tài chính bên ngoài từ cả khu vực công và tư sẽ thực hiện thành công quá trình chuyển đổi công bằng.
1 BWG – Nhóm Công tác Ngân hàng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), được thành lập năm 1998, là kênh đối thoại chính sách, diễn đàn dành cho các ngân hàng, TCTD, công ty tài chính nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hợp tác chặt chẽ với NHNN và Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện khung pháp lý hiện hành, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời hướng tới mục tiêu một môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam – World Bank Group.
2. Vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy lộ trình phát triển bền vững.
Bà Michele Wee
Chủ tịch Nhóm Công tác ngân hàng – Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (BWG1 – VBF), kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam