Cuộc chạy đua về 0 với kinh tế xanh
Từ những cánh rừng, đồng lúa đến những nhà máy tối tân, từ những người nông dân đến các doanh nghiệp đều đang tăng tốc trên cuộc chạy đua về 0 với kinh tế xanh.
CO2 là thứ mà chúng ta vẫn đang thở ra hàng ngày, nhưng bạn có tin thứ này cũng có thể quy đổi lấy tiền hay không? Không chỉ đơn giản là bán để đổi lấy tiền, mà nó còn đang góp phần định hình lại cách trồng lúa, hay trồng rừng của chúng ta – vốn là những hoạt động có gắn bó mật thiết với hoạt động phát thải và hấp thu các loại khí nhà kính như CO2.
Một cây lúa, ba giá trị
Qua lời kể của chính cây lúa, khán giả hiểu hơn về mô hình trồng lúa “1 phải – 5 giảm”: phải sử dụng giống xác nhận – giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm giống gieo sạ, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, người nông dân gieo sạ bằng máy và phun thuốc, bón phân bằng chiếc máy bay phun xuống. “Thay vì mình xịt thủ công, ví dụ một đợt 10 chai thuốc, nếu phun máy bay có 7 nên mình dư được 3 chai” – chú Năm cho biết. “Một hecta xịt chưa quá 15 phút là xong rồi. Mau lắm!” – chú Tám bổ sung thêm.
Một bát cơm của người nông dân bây giờ cũng ngon hơn, thơm hơn và chắc chắn là sạch hơn. Những giá trị ấy không chỉ mang lại cho người dùng, người thưởng thức, mà với chính những người nông dân, người trồng lúa nữa – “một cây lúa, ba giá trị”. Giá trị đầu tiên đến từ việc giảm chi phí đầu vào, gia tăng hiệu suất đầu ra, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế thực thụ cho người nông dân. Giá trị thứ hai, giảm phát thải cây lúa cũng mang lại đồng lúa sạch hơn, khỏe hơn. Từ đó chuẩn bị những đồng lúa tốt hơn cho những mùa sau. Và giá trị thứ 3, giảm phát thải cây lúa sẽ đổi lấy những đồng tiền từ chương trình bán tín chỉ carbon. Với cùng một công sức bỏ ra, người nông dân có thể kiếm thêm tiền bỏ vào túi mình.
Bán quyền hấp thụ carbon rừng
1m3 cây rừng sẽ giữ được 1,1 tấn carbon. Cả khu rừng của hợp tác xã Thành Sơn Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa trên 600ha, tính ra có khoảng 6,5 nghìn tấn carbon được lưu giữ ở các thân cây, thay vì bị phát thải ra không khí. Thí điểm của Ngân hàng thế giới đang tính, mỗi tấn các bon có giá gần 120.000 đồng.
Anh Lê Hữu Chí – Chủ tịch HĐQT HTX Thành Sơn Lâm, huyện Như Xuân, Tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Kỳ vọng của chúng tôi trước hết là tạo nguồn thu nhập bền vững cho bà con trong và gần rừng, nâng cao giá trị của rừng lên để cho bà con nhân dân có thu nhập cố định. Như lâu nay bà con đi làm không có khoa học chỉ dẫn, thu hái không có tổ chức, bây giờ thực hiện chương trình này, một số bà con cũng thay đổi”.
Bình quân 1 ha rừng này mỗi năm lưu trữ thêm trên 1 tấn carbon. Cây càng lâu năm, trữ lượng carbon càng lớn. Anh Chí đang định liên kết các hợp tác xã trong vùng nhân rộng diện tích rừng, tăng lượng carbon, tăng thu nhập…
Tính ra một chiếc cây này đang lưu giữ đâu đó được 18 tấn carbon, với mức giá 5 USD/tấn carbon thì tính toán trong thân cây này đang lưu giữ được 90 USD tương đương 2 triệu đồng.
“Một cây rừng, 2 thu nhập”: thu từ chăm sóc, thu cả từ bán quyền hấp thụ carbon tích trữ trong cây. Lần đầu tiên sau 10 năm, ông Lò Khăm Diện (Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá) biết đến việc đong đếm lượng carbon lưu giữ trong 100ha rừng nhận khoán chăm sóc.
Với 6 địa phương được thí điểm ở Việt Nam, những cánh rừng có thể hấp thu 10,3 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm đổi được 51.5 triệu USD. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận với con số tổng giá trị giao dịch carbon toàn cầu lên tới 851 tỷ USD thì Việt Nam mới chỉ là một chấm nhỏ, đặc biệt với những thị trường giao dịch tín chỉ carbon như ở Mỹ.
Thị trường mua bán tín chỉ CO2 tại Mỹ
Các công ty ở Mỹ khi muốn tham gia vào sân chơi mua – bán tín chỉ carbon thì họ có thể chọn một trong các sàn giao dịch quốc tế, như sàn Xpansiv CBL tại TP. New York. Các sàn như thế này không chỉ giúp các công ty mua – bán tín chỉ mà còn hỗ trợ chuyển đổi các công nghệ mới, xanh hơn.
Nằm ở ngoại ô thành phố Denver, bang Colorado, Civitas là doanh nghiệp khai thác dầu đầu tiên trong vùng chuyển đổi sang công nghệ xanh. Thay vì dùng dầu diesel để vận hành các giàn khoan, họ dùng điện. Nhờ vậy mà “tiết kiệm” được lượng khí thải từ 20-25% mỗi năm. Số còn lại vẫn phải mua trên thị trường tín chỉ carbon.
Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 2,4 ngàn tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, thị trường bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada sẽ tiếp tục đứng thứ 2 sau châu Âu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt được con số này, còn nhiều việc phải làm, trong đó có: tăng giá giao dịch. Bởi chi phí chuyển đổi sang công nghệ xanh thì lớn, mà giá bán tín chỉ (nếu tiết kiệm được) chưa cao nên chưa tạo được động lực.
Mỹ chưa có thị trường tín chỉ carbon cấp liên bang nhưng đang đưa ra đạo luật mới nhằm phát triển năng lượng xanh. Trong đó phần lớn số tiền được đưa ra nhằm hỗ trợ các nhà máy chuyển đổi công nghệ, giảm phát thải khí để đạt mục tiêu như Liên Hợp Quốc đã đề ra. Nắm bắt cơ hội này, không chỉ các nhà máy sản xuất mà các doanh nghiệp startup đã ra đời.
Năm 2021, thế giới có khoảng 353 triệu tín chỉ carbon được chứng nhận và cấp với các tổ chức uy tín. Giá trị trường đạt khoảng 851 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, tính đến nay cũng đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và cấp hơn 33 triệu tín chỉ carbon cho các dự án.
Đầu năm 2022, Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon đã được ban hành. Trong đó, đặt mục tiêu thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon từ năm 2025. Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng sẽ xác nhận tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên sàn giao dịch này.
Source : VTV Digital