Sign In

Blog

Latest News
Bài 7: Sản xuất cao su bền vững hướng tới phát thải thấp

Bài 7: Sản xuất cao su bền vững hướng tới phát thải thấp

Mặc dù không được coi là cây lâm nghiệp nhưng trong một số nghiên cứu gần đây, cây cao su được đánh giá cao về tiềm năng giúp giảm thiểu BĐKH, so với các mục đích sử dụng đất khác ngoại trừ rừng tự nhiên, nhờ khả năng tích trữ carbon cả ở cây và đất, đồng thời giúp phục hồi những vùng đất bạc màu. Bản thân cây cao su là bể chứa carbon nếu thúc đẩy quản lý bền vững khu vực canh tác cao su, áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến giúp giảm phát thải trong quá trình sản xuất, giảm các tác động tiêu cực đến khí hậu (Aziz và cộng sự, 2022).

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của rừng trồng cao su đối với khí hậu, quy trình canh tác cao su vẫn còn một số mặt hạn chế gây phát thải KNK như chuyển đổi rừng sang trồng cao su, đốt thực bì khai hoang đất, sử dụng phân hóa học liều cao, gây xói mòn do cày đất… Cần phát huy những phương thức trồng rừng cao su bền vững, hướng tới phát thải thấp và thân thiện với môi trường để rừng trồng cao su góp phần giảm thiểu BĐKH và làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu.

Sản phẩm từ cây cao su

Cao su thiên nhiên là sản phẩm chủ yếu của cây cao su với sản lượng toàn cầu đạt 13,84 triệu tấn (2021). Tổng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2021 đạt 14,058 triệu tấn, tăng hơn 8,5% so với năm 2020 (ANRPC, 2022) do sự phục hồi kinh tế mạnh sau đại dịch Covid-19. Gần 70% tổng sản lượng cao su thiên nhiên được sử dụng để sản xuất sản phẩm lốp xe, bên cạnh các sản phẩm khác như găng tay, đế giày, ống cao su, băng tải, chỉ thun may mặc, nệm gối, dụng cụ y tế, dụng cụ thể thao… Tuy nhiên, trong thập kỷ tới, nhu cầu cao su thiên nhiên được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn, khoảng 2,4% hàng năm (IRSG, 2019).

Tính đến năm 2020, tổng diện tích trồng cao su trên toàn thế giới ước đạt trên 14,1 triệu ha (IRSG, 2021), trải rộng gần 20 quốc gia tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh, chủ yếu do các nông hộ trồng và cung cấp cao su thiên nhiên với tỷ lệ hơn 90%. Hiện có khoảng 13 triệu nông hộ nhỏ với hơn 40 triệu người phụ thuộc vào canh tác cây cao su (James Jacob et al., 2022).

Tại Việt Nam, cao su có diện tích lớn nhất trong số các loại cây công nghiệp lâu năm. Tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích cao su đạt 938.800 ha, cung cấp hơn 1,2 triệu tấn cao su thiên nhiên (Tổng cục Thống kê, 2022) và khoảng 3,5 triệu m3 gỗ tròn cao su (Trần Thị Thúy Hoa, 2020). Có trên 265.000 hộ cao su tiểu điền canh tác khoảng 51,2% về diện tích và đóng góp 62,5% tổng sản lượng mủ cao su năm 2019 (Trần Thị Thúy Hoa và cộng sự, 2021), phần diện tích cao su và sản lượng mủ cao su còn lại chủ yếu do doanh nghiệp đại điền nhà nước đóng góp và một số ít doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI).

Về cơ cấu diện tích, vùng cao su truyền thống Đông Nam Bộ chiếm khoảng 58,3%, kế tiếp là Tây Nguyên (24,5%), duyên hải miền Trung (14,0%) và Bắc Bộ – vùng mới phát triển từ sau 2005 (3,2%). Diện tích cao su tiểu điền phát triển nhanh trong những năm gần đây và vượt hơn diện tích cao su đại điền của các doanh nghiệp từ năm 2017.

Về năng suất, ngành cao su Việt Nam đạt khoảng 1.682 kg/ha vào năm 2021, dẫn đầu 9 năm liên tục trong các nước ở châu Á (ANRPC, 2022). Việt Nam hiện là nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên đứng thứ ba trên thế giới, sau Thái Lan và Indonesia, với giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 3,28 tỷ USD, tăng 37,5% so với năm trước.

Một nguyên liệu quan trọng khác mà cây cao su cung cấp là gỗ cao su. Sau khi sinh trưởng khoảng 25 – 30 năm, cây cao su bước vào cuối chu kỳ thu hoạch mủ. Khoảng 3 – 5% cây cao su già có năng suất thấp, tương đương khoảng 400.000 – 500.000 ha được cưa hạ để trồng lại mỗi năm trên thế giới, cung cấp khoảng 60 – 80 triệu m3 gỗ cao su/năm, mang lại nguồn vốn quan trọng giúp người trồng tái đầu tư. Gỗ cao su được xem là nguyên liệu thân thiện với môi trường, giúp giảm áp lực khai thác gỗ rừng tự nhiên trong bối cảnh nhu cầu đối với nguyên liệu gỗ tăng dần trong ngành nội thất, xây dựng, bao bì, năng lượng sinh khối… Điển hình như tại Malaysia, với diện tích cao su trên 1,1 triệu ha và tỷ lệ tái canh khoảng 3%, gỗ cao su trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng, chiếm 80% giá trị xuất khẩu của ngành gỗ nước này (MTIB, 2017). Tương tự, gỗ cao su cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam. Với diện tích tái canh và chuyển đổi khoảng 36.500 ha hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành cao su cung cấp cho thị trường khoảng 4,84 triệu m3 gỗ tròn mỗi năm (Trần Thị Thúy Hoa, 2020). Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ cao su liên tục tăng, từ 1,22 tỷ USD (2015) lên 2,28 tỷ USD (2019), đóng góp 18% (2015) đến 22% (2019) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam vươn lên vị trí xuất khẩu đồ gỗ thứ tư trên thế giới năm 2020 (Statista, 2022). Giá trị xuất khẩu đồ gỗ cao su tiếp tục tăng 6,9% so với năm 2020, đạt 2,53 tỷ USD vào năm 2021 (VRA, 2022).

Sản phẩm cao su chủ lực của Việt Nam hiện là lốp xe, với giá trị xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su Việt Nam (3,7 tỷ USD) năm 2021, tăng 27,5% so với năm 2020. Ngoài ra, còn những sản phẩm cao su quan trọng khác là linh kiện cao su kỹ thuật (14,6%), găng tay cao su (11,9%), đế giày cao su (11,8%) (VRA, 2022).

Tác động của BĐKH đến sản xuất cao su

Báo cáo lần thứ tư của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH cho thấy nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên, băng tuyết tan trên diện rộng làm nước biển dâng cao, lượng mưa tăng đáng kể ở một số nơi nhưng diện tích bị hạn hán cũng tăng lên ở nhiều khu vực (IPPC, 2007).

Đối với một số vùng trồng cao su, BĐKH làm mùa khô kéo dài và lượng mưa thay đổi, tăng độ ẩm, bệnh hại lây lan ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cao su (Salvatore Pinizzotto et al., 2020). Nghiên cứu tại Ấn Độ về số liệu khí tượng thủy văn trong 3 thập kỷ, từ năm 1971 – 2006 cho thấy số ngày mưa giảm và số giờ nắng trong ngày giảm có thể tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng và năng suất của cây cao su (Shammi et al., 2010).

Một số quan sát cho thấy sự bất ổn của khí hậu như nhiệt độ cao và hạn hán đã làm tăng số cây chết ngay sau khi trồng (Jessy et al., 2011). Nhiệt độ cao hơn làm giảm dòng chảy mủ và giảm lượng mủ thu hoạch trong ngày, hạn hán làm cây cao su sinh trưởng chậm, mưa nhiều tác động đến việc cạo mủ và sử dụng thuốc kích thích mủ (Salvatore et al., 2020). Ngoài ra, thiệt hại do gió với tần suất xuất hiện và sức mạnh gia tăng của bão cũng đáng quan tâm. Tỷ lệ gãy thân và gãy cành cao trong một thời gian ngắn có thể gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho rừng cây cao su (Chen et al. 2020). Tuy nhiên, nhiệt độ cao hơn lại giúp các vùng Đông Bắc của Ấn Độ trở nên thích hợp cho cây cao su hơn khi mùa đông ít khắc nghiệt hơn (Thapliyal et al., 2010).


Tác động của việc mở rộng diện tích cao su đến nguồn nước và đa dạng sinh học

Nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới gia tăng và giá cao trong giai đoạn 2005 – 2014 đã thúc đẩy nhiều quốc gia mở rộng diện tích cao su với hơn 2,5 triệu ha trong vòng 10 năm (2008 – 2018), nâng tỷ lệ mở rộng diện tích cao su lên khoảng 24% và tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, hoạt động này khiến một số diện tích rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh buộc phải chuyển đổi sang trồng cao su độc canh nên làm giảm đa dạng sinh học, giảm sự phong phú của loài, tác động đến nguồn nước và gây xói mòn đất (Gitz et al., 2020).

Chuyển đổi rừng sang trồng cao su độc canh ảnh hưởng đến sự đa dạng của các loài chim, làm giảm một nửa số loài chim tồn tại ở khu vực chung quanh rừng cao su (Rachakonda et al., 2016). Nghiên cứu của Warren-Thomas và cộng sự (2015) cho thấy chuyển đổi rừng hoặc nông nghiệp du canh sang cao su độc canh đã tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học của các loài chim, dơi và động vật không xương sống.

Nghiên cứu tại vùng cao su Xishuanbanna, Tây Nam Trung Quốc cho thấy việc mở rộng 12.768 ha cao su trong giai đoạn 1970 – 2017 làm ảnh hưởng tiêu cực đến thủy văn khu vực địa phương, tăng bốc thoát hơi nước, độ ẩm tương đối trung bình giảm dần, lượng mưa giảm, nhiệt độ tăng và thời lượng nắng tăng (Zhen Ling et al., 2022). Một nghiên cứu khác cũng cho thấy việc chuyển đổi đất sang trồng cao su làm tăng lượng thoát hơi nước từ 15% – 18% so với thảm thực vật bản địa (Tan et al., 2011).

Vai trò của cây cao su trong giảm thiểu BĐKH

Rừng trồng cao su có thể góp phần giảm thiểu BĐKH theo nhiều cách thông qua khả năng hấp thu carbon, hạn chế tác động tiêu cực của việc sử dụng đất trồng cao su, tăng carbon đất và giảm phát thải KNK.

Cây cao su có thể góp phần cô lập carbon nhờ hấp thụ và tích tụ carbon trong thân gỗ, cành, lá, thậm chí cả khi đã chuyển đổi thành sản phẩm nội thất. Ngoài ra, canh tác cao su cũng giúp khả năng lưu trữ carbon của đất cao hơn so với một số điều kiện sử dụng đất khác (ngoại trừ rừng tự nhiên) trong khi quản lý bền vững các diện tích canh tác cao su có thể giúp tăng khả năng hấp thụ carbon, hạn chế phát thải KNK.

Rừng trồng cao su là bể chứa carbon

Mặc dù tích tụ carbon thường bị giảm khi cây cao su thay thế rừng tự nhiên nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cây cao su có tiềm năng giảm thiểu BĐKH thông qua lưu trữ carbon nhiều hơn so với điều kiện sử dụng đất khác. Trong trường hợp được trồng kết hợp với nhiều loại cây gỗ khác, nghiên cứu khẳng định rừng cao su có khả năng hấp thụ carbon tốt hơn so với rừng thứ cấp (Gitz và cộng sự, 2022). Tại Ấn Độ, tổng trữ lượng carbon của thảm thực vật quan trắc trong các đồn điền cao su từ 5 đến 40 tuổi đạt mức tối đa 105,73 tấn carbon/ha, đồng thời hệ sinh thái được duy trì ổn định hơn so với canh tác đốt nương làm rẫy (Brahma và cộng sự, 2016). Tại Indonesia, cây cao su giống RRIM 600 và GT 1 có vòng đời 33 năm tuổi có thể hấp thụ một lượng CO2 cố định lần lượt là 1.288 tấn/ha và 1.028 tấn/ha hoặc trung bình 39,1 và 31,2 tấn/ha/năm (Kusdiana và cộng sự, 2015). Tại Thái Lan, nghiên cứu của Satakhun và các cộng sự vào năm 2019 kết luận rừng trồng cao su giống RRIM 600 19 năm tuổi có thể hấp thụ bình quân 36,7 tấn CO2/ha/năm. Tại Bắc Lào, hiệu quả hấp thụ carbon của rừng cao su 30 năm tuổi là 50 tấn/ha, cao hơn nhiều so với nông nghiệp du canh có thời gian bỏ trống đất trong 5 năm là 18,6 tấn/ha (Kiyono và cộng sự, 2014).

Gỗ cao su được ước tính tạo ra lượng sinh khối khoảng 2,1 m3 trên một cây đứng bao gồm thân, cành và lá (Ratnasingam và Scholz, 2009), trong đó, sinh khối của thân, cành có đường kính trên 10 cm ước đạt 180 m3/ha (Ratnasingam và cộng sự, 2015). Sinh khối cao cho thấy tiềm năng trữ lượng carbon cao ở cây cao su.

Theo nghiên cứu của Rico Kongsager và cộng sự (2013) về tiềm năng hấp thụ carbon của một số đồn điền, giá trị lớn nhất được tìm thấy ở đồn điền cao su 44 tuổi (214 tấn carbon/ha), các đồn điền khác có hàm lượng carbon thấp hơn nhiều: cam 25 tuổi (76 tấn carbon/ha), ca cao 21 tuổi (65 tấn carbon/ha) và cọ dầu 23 tuổi (45 tấn carbon/ha). Bình quân lượng carbon tích lũy hàng năm cao nhất vẫn là đồn điền cao su (4,9 tấn carbon/ha/năm).

Nhận thức được tiềm năng tiếp cận thị trường carbon của rừng trồng cao su, Dự án ECO2 Rubber Forest Guatamala được thành lập nhằm tạo nguồn thu nhập bổ sung cho người trồng, tạo động lực quản lý rừng cao su bền vững và có trách nhiệm. Dự án còn có kỳ vọng mang lại lợi ích về đa dạng sinh học, bảo vệ hành lang sinh học cho các khu rừng tự nhiên và các khu vực có giá trị bảo tồn cao (Econegocios, 2022).

Hạn chế tác động tiêu cực của việc sử dụng đất trồng cao su

Nhu cầu cao su thiên nhiên được dự đoán sẽ tăng khoảng 2,4% hàng năm trong thập kỷ tới (IRSG, 2019). Để giảm nhu cầu mở rộng đất nhằm tăng sản lượng cao su, cần sử dụng những giống năng suất cao, chống chịu bệnh và thích nghi với điều kiện môi trường. Nếu cần trồng mới cao su, cần ưu tiên sử dụng đất bị bạc màu để phát huy tác động tăng trữ lượng carbon của rừng trồng cao su (Gitz et al., 2020).

Cải thiện biện pháp quản lý để tăng carbon và giảm phát thải KNK

Khả năng dự trữ carbon của cây cao su có thể gia tăng thông qua các biện pháp quản lý hiệu quả chất hữu cơ, tăng cường trồng xen, trồng kết hợp các loại cây khác. Theo các nhà nghiên cứu Pháp, trong nhiều năm qua, biện pháp đốt thân cây, cành và gốc cây cao su thường được thực hiện trước khi tái canh nhằm ngăn chặn bệnh dễ lây lan sang cây cao su ở chu kỳ kế tiếp và thuận tiện cho việc dọn đất trước khi trồng lại. Với giải pháp không đốt (hạn chế phát thải) và quản lý đất bền vững, hoàn trả một phần hoặc toàn bộ sinh khối của cây cao su được cưa hạ kết hợp với gieo trồng cây phủ đất họ đậu giúp phục hồi hoàn toàn (trong vòng 18 tháng) một số chức năng của đất về chuyển hóa carbon và duy trì cấu trúc của đất (CIRAD et al., 2021). Rừng cao su 1 năm tuổi trong mô hình nông lâm kết hợp với nhiều cây trồng xen có trữ lượng carbon đạt 2,15 tấn carbon/ha, cao hơn đáng kể so với hệ thống cao su độc canh chỉ đạt khoảng 0,57 tấn carbon/ha (Sahuri, 2019).

Bên cạnh các giải pháp trên, cần sử dụng tiết kiệm và hợp lý phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chống xói mòn đất, Thu hoạch mủ cao su với cường độ thấp, khai thác gỗ cao su tác động thấp cũng được xem là những giải pháp giảm thiểu phát thải KNK trong quá trình sản xuất, thu hoạch mủ cao su và gỗ cao su.

Giải pháp giúp cây cao su thích ứng với BĐKH

Để tăng khả năng thích ứng với BĐKH của cây cao su, cần chú trọng thực hành các biện pháp nông học thích ứng với khí hậu, đồng thời khuyến cáo các dòng vô tính thích nghi với điều kiện khí hậu của từng vùng (Salvatore et al., 2021).

Thực hành các biện pháp nông học thích ứng với khí hậu

Cần áp dụng biện pháp thực hành tốt như giảm cường độ cạo mủ kết hợp giảm chi phí, sử dụng máng che mưa cho mặt cạo để không mất ngày cạo do mưa. Bên cạnh đó, quản lý tốt chất lượng đất trồng cao su cũng được xem là giải pháp phát triển bền vững thông qua chống xói mòn đất, trồng cây phủ đất, trả lại một phần hoặc toàn bộ sinh khối của cây cao su cho đất (Salvatore et al., 2020). Áp dụng mô hình nông lâm kết hợp cho rừng trồng cao su là giải pháp giúp đa dạng hóa thu nhập từ mủ cao su, cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây trồng xen, giảm xói mòn đất và cải thiện độ phì của đất, tuy nhiên, cần thiết kế phù hợp để giảm cạnh tranh giữa cây cao su và cây trồng kết hợp, tránh tăng độ ẩm làm bệnh phát triển và duy trì năng suất cây cao su (Eric Penot et al., 2020).

Trong giai đoạn vườn ươm và 2 năm trồng đầu tiên cây cao su, cần giữ độ ẩm cho đất, có thể thực hiện bằng cách trồng xen cây che bóng, cây phủ đất hoặc tủ gốc, để lại một phần hoặc toàn bộ sinh khối của cây cao su trên diện tích tái canh. Bổ sung chất hữu cơ bằng các loại cây phủ đất và tàn dư từ cây cao su sau khi cưa hạ lấy gỗ giúp tránh thoái hóa đất hoặc cải thiện chất lượng đất. Quản lý dinh dưỡng hiệu quả trong giai đoạn đầu cây cao su chưa trưởng thành có thể tác động tích cực làm chất lượng đất được cải thiện dần dần trong giai đoạn trưởng thành (Gay et al. 2021).

Nhiều mô hình canh tác cây cao su kết hợp với những cây trồng khác hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm được áp dụng ở Việt Nam giúp đa dạng hóa nguồn thu nhập để giảm rủi ro do tác động của thời tiết thất thường và thích ứng thông minh với BĐKH như xen canh với chuối, cây lương thực, cây thuốc, nuôi ong, gà, heo… (Trần Thị Thúy Hoa và cộng sự, 2020). Nghiên cứu tại Sri Lanka cho thấy cao su trồng xen với chuối có hiệu quả sử dụng nước tăng hơn 118% so với cao su trồng thuần và lượng nước thoát ra nhỏ hơn lượng nước mưa nhận vào (Vitharanage et al., 2005). Khi trồng xen hoặc trồng kết hợp với cây cao su, cần sử dụng những cây ít cạnh tranh nước, ánh sáng với cây cao su hoặc thiết kế hàng cây cao su với khoảng cách rộng hơn. Nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy kiểu thiết kế cao su hàng kép (20 m + 4 m) x 2 m không ảnh hưởng đến năng suất so với kiểu hàng đơn (7 m x 3 m) và sinh trưởng khỏe hơn một chút. Kiểu hàng kép cho phép xen canh lâu dài ngay cả khi cây cao su trưởng thành với diện tích trồng xen khoảng 45% trong tổng diện tích lô cao su (Zeng et al., 2012).

Một trong những mô hình quan trọng khác giúp cây cao su thích ứng với khí hậu, đó là trồng xen, phục hồi sinh thái tự nhiên theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC). Năm 2022, trong khuôn khổ dự án của Liên minh Sinh kế Xanh (GLA 2), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã cùng nhóm tư vấn thực hiện khảo sát tại Công ty Cổ phần Cao su Đăk Lăk (DAKRUCO) nhằm xác định phương án trồng phục hồi rừng cho khoảng 100 ha diện tích canh tác cao su với các loài cây bản địa, cây đa tầng tán, đồng thời, thu thập dữ liệu đầu vào cho việc thiết lập bản đồ và kế hoạch quản lý rừng bền vững, áp dụng kỹ thuật trồng phục hồi theo tiêu chuẩn FSC. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ DAKRUCO hướng tới thực hiện tốt cam kết môi trường – xã hội của một doanh nghiệp lớn vùng Tây Nguyên mà còn tiến tới tăng giá trị sản phẩm cao su Việt Nam thông qua chứng chỉ gỗ bền vững (PanNature, 2022a).

Với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của FSC Việt Nam, nhóm tư vấn đã tiến hành đánh giá mẫu đại diện sinh thái địa phương thông qua bản đồ và điều tra thực địa, từ đó phát triển phương án sử dụng các giống cây bản địa phục hồi sinh thái trong một phần diện tích canh tác cao su của Công ty. Phương án xúc tiến tái sinh được áp dụng nhằm đưa diện tích lựa chọn trở về trạng thái gần với tự nhiên nhất, đảm bảo tính bền vững trong canh tác cao su. Song song với đó, PanNature cũng cung cấp các tư vấn kỹ thuật cần thiết hỗ trợ DAKRUCO tiến hành tham vấn hiệu quả các bên liên quan thực hiện đánh giá các giá trị bảo tồn cao.

Theo Tiêu chuẩn Quản lý Rừng Việt Nam năm 2020 của Hội đồng Quản lý Rừng (FSC), một trong những tiêu chí để được cấp chứng chỉ FSC là chủ rừng phải xác định ít nhất 10% diện tích được giao để bảo tồn, bảo vệ các giá trị hệ sinh thái hoặc phục hồi thảm thực vật, đồng thời trình bày rõ phương án quản lý rừng bền vững cho toàn bộ diện tích rừng trong phạm vi chủ rừng quản lý. Đây là một chỉ tiêu không dễ dàng trong bối cảnh doanh nghiệp cao su Việt Nam chưa được trang bị đủ kiến ​​thức kỹ thuật cần thiết liên quan đến bảo tồn hệ sinh thái, phục hồi và quản lý rừng bền vững, chưa kể đến những vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ ​​canh tác cao su sang mục đích bảo tồn, phục hồi sinh thái.

Khuyến cáo các dòng vô tính cao su thích nghi với khí hậu

Một cách tiếp cận khác để cây cao su thích ứng với BĐKH là tạo tuyển và khuyến cáo những dòng vô tính năng suất cao có khả năng chống chịu điều kiện môi trường ít thuận lợi như hạn hán, gió mạnh, nhiệt độ thấp, bệnh hại…

Công tác khuyến cáo giống cao su tối ưu theo môi trường đã được Viện Nghiên cứu Cao su Malaysia khởi xướng từ năm 1975 nhằm tối ưu hóa tiềm năng năng suất của cây cao su tại địa phương (Ong Chin Wei et al., 2014). Nhiều nước trồng cao su khác cũng áp dụng nguyên tắc khuyến cáo giống cao su theo đặc thù của vùng trồng. Tại Việt Nam, các cơ cấu bộ giống cao su được khuyến cáo theo vùng trồng từ năm 1983. Năm 2021, căn cứ trên đề nghị và kết quả nghiên cứu tuyển chọn giống của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã ban hành Cơ cấu giống cao su giai đoạn 2022 – 2026, định hướng đến 2030 cho 5 vùng trồng cao su ở Việt Nam và 12 tiểu vùng (Giống cao su, 2021).

Một số kiến nghị về chính sách và kỹ thuật

Cây cao su chịu nhiều tác động tiêu cực do BĐKH, hạn hán gia tăng, lượng mưa thay đổi ít hơn hoặc nhiều hơn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, sản lượng và lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, với những giải pháp chính sách và kỹ thuật thích hợp, cây cao su có thể thích ứng với điều kiện bất thuận của khí hậu và đóng góp vào việc hấp thụ carbon để giảm thiểu BĐKH.

Về chính sách, cần ngăn chặn việc mở rộng diện tích trồng mới cao su trên đất rừng; khuyến khích trồng lại cao su trên diện tích hiện có với chính sách ưu đãi về thuế. Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích ứng với BĐKH, phổ biến thông tin đến người trồng, đặc biệt là các hộ dân tiểu điền để tiếp cận với những giống thích nghi với đặc thù sinh thái của vùng trồng, quy trình kỹ thuật sản xuất cao su bền vững, phát thải thấp, đa dạng nguồn thu nhập kết hợp tăng cường sinh khối và trữ lượng carbon. Thứ ba, tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, chuyển giao những bộ giống cao su và giải pháp kỹ thuật thích ứng với BĐKH, thử nghiệm và khuyến cáo những mô hình cao su trong hệ thống nông lâm kết hợp có hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Thứ tư, hỗ trợ thiết lập và vận hành các hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cấp giấy chứng nhận quản lý rừng bền vững, mở rộng việc tham gia thị trường tín chỉ carbon của rừng trồng cao su. Thứ năm, khuyến khích sử dụng gỗ cao su để giảm áp lực khai thác gỗ rừng tự nhiên và sản phẩm từ cao su thiên nhiên để hạn chế các loại sản phẩm dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Thứ sáu, cần đưa rừng trồng cao su tham gia thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để đóng góp vào việc giảm nhẹ phát thải KNK do khả năng hấp thu carbon của rừng trồng cao su và đóng góp về thích ứng với BĐKH thông qua các phương thức trồng rừng cao su bền vững. Cuối cùng, cần thúc đẩy truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý rừng bền vững cho các doanh nghiệp cao su.

Về kỹ thuật, cần chuyển đổi hệ thống độc canh cây cao su sang hệ thống nông lâm kết hợp với các kiểu thiết kế mật độ, khoảng cách trồng và các loại cây thích hợp trồng xen lâu dài để đảm bảo năng suất cao, tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng sinh khối và tăng trữ lượng carbon, thích ứng với biến động của giá cả và thời tiết bất thuận, kết hợp đa dạng hóa nguồn thu nhập, tăng cường an ninh lương thực địa phương. Bên cạnh đó, cần sử dụng những bộ giống cao su được tuyển chọn theo mục đích cao sản về mủ và gỗ, thích nghi với môi trường bất thuận của từng vùng do BĐKH, đồng thời duy trì, bảo vệ các hành lang sinh học trong vùng trồng cao su để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Ngoài ra, cần cải thiện các biện pháp nông học để giảm phát thải và tăng chất hữu cơ: hạn chế đốt thực bì và cày đất khi chuẩn bị đất trồng cao su; hoàn trả một phần hoặc toàn phần sinh khối của cây cao su cho đất khi trồng lại; bảo vệ đất tránh bị xói mòn; tăng trữ lượng carbon, giảm hóa chất, giảm phân bón vô cơ, tận dụng các nguồn phân hữu cơ; giảm số ngày cạo và quản lý cỏ hiệu quả kết hợp giảm chi phí…

Tài liệu tham khảo

1. Association of Natural Rubber Producing Countries (ANRPC) (2022). Monthly NR Statistical Report. January & February, 2022. www.anrpc.org

2. Aziz B S A Kadir, Vincent Gitz, Eric Gohet, James Jacob, Lekshmi Nair, Salvatore Pinizzotto, Nguyen Anh Nghia, Sergey Blagodatsky, Michael Brady, Paolo Cerutti, Bangqian Chen, Amy Duchelle, Zaida Fairuzah, Tri Rapani Febbiyanti, Frédéric Gay, M. D. Jessy, Christopher Martius, Minami Matsui, Alexandre Meybeck, Yann Nouvellon, K. O. Omokhafe, Ramli Othman, Eric Penot, Lakshman Rodrigo, Fatima Rubaizah, Jérôme Sainte Beuve, Ashdeepak Singh, Ismail Tajuddin, Philippe Thaler, Thomas Wijaya, Wasana Wjiesuriya (2022). Natural rubber contributions to mitigation of climate change. https://www.researchgate.net/publication/360993108_Natural_rubber_contributions_to_mitigation_of_climate_change

3. Brahma B, Jyoti Nath A and Kumar Das A. 2016. Managing rubber plantations for advancing climate change mitigation strategy. Current Science 110(10):2015–2019. https://www.researchgate.net/publication/303408550_Managing_Rubber_Plantations_for_Advancing_Climate_Change_Mitigation_Strategy

4. Chen B, Yun T, An F, Kou W, Li H, Luo H, Yang C, Sun R and Wu Z. (2020). Tornado disaster assessment of rubber plantation using multi-source remote sensing data: A case study in Hainan Island, China. Quoted by Salvatore et al., 2020. https://agritrop.cirad.fr/598385/7/ID598385.pdf

5. CIRAD, IRD, Université Clermont Auvergne, Michelin, Socfin, SIPH. 2021. Hévéaculture: comment restaurer la santé des sols après l’abattage d’une plantation de 40 ans? https://www.ird.fr/sites/ird_fr/files/2021-12/Communique_%20H%C3%A9v%C3%A9aculture-restaurer-sant%C3%A9-sols-apr%C3%A8s-abattage_13122021.pdf

6. Econegocios (2022). ECO2 Rubber Forests Guatemala. http://econegocios.com.gt/eco2rubber.html  

7. Eric Penot, Bénédicte Chambon, Jérome Sainte Beuve (2020). The role of rubber agroforestry in farming systems and its effect on households: Adaptation strategies to climate change risks? Proceedings and extended abstracts from the online workshop, 23 – 25 June 2020. https://agritrop.cirad.fr/598385/7/ID598385.pdf

8. Gay F, Brauman A, Chotiphan R, Gohet E, Laclau J, Lienprayoon S, Mareschal L, Malagoli P, Thoumazeau A, Nouvellon Y, Suvannang N, Thaler P and Perron T (2021). Managing soil quality to improve sustainability of rubber plantations, what do we know? pp. 42-45. https://www.researchgate.net/publication/351904104_Managing_soil_quality_to_improve_sustainability_of_rubber_plantations_what_do_we_know

9. Giống cao su (2021). Quy hoạch giống cao su trong cơ cấu giống cao su.  https://giongcaosu.com/co-cau-giong-cao-su

10. Gitz Vincent, Alexandre Meybeck, Salvatore Pinizzotto, Lekshmi Nair, Eric Penot, Himlal Baral and Xu Jianchu (2022). Sustainable development of rubber plantations: challenges and opportunities. https://www.researchgate.net/publication/347314291_Sustainable_development_of_rubber_plantations_in_a_context_of_climate_change_Challenges_and_opportunities

11. International Rubber Study Group (IRSG) (2019). Rubber Statistical Bulletin, October-December. Vol. 74:4-6. Changi, Singapore.

12. International Rubber Study Group (IRSG) (2021). World Rubber Industry Outlook: Review and prospects to 2030. Changi, Singapore.

13. International Rubber Study Group (IRSG) (2022). Global rubber demand. https://www.rubberstudy.org/welcome

14. IPPC (Intergovernmental Panel on Climate Change) (2007). Climate change: Synthetic Report – Summary for Polocymakers. https://www.ipcc.ch/site/assets/uploads/2018/02/ar4_syr_spm.pdf

15. James Jacob, Vincent Gitz, Eric Gohet, Aziz BSA Kadir, Lekshmi Nair, Salvatore Pinizzotto, Nguyen Anh Nghia, Sergey Blagodatsky, Michael Brady, Paolo Cerutti, Bangqian Chen, Amy Duchelle, Zaida Fairuzah, Zaida Fairuzah, Tri Rapani Febbiyanti, Frédéric Gay, M. D. Jessy, Christopher Martius, Minami Matsui, Alexandre Meybeck, Yann Nouvellon, K. O. Omokhafe, Ramli Othman, Eric Penot, Lakshman Rodrigo, Fatima Rubaizah, Jérôme Sainte Beuve, Ashdeepak Singh, Ismail Tajuddin, Philippe Thaler, Thomas Wijaya, Wasana Wjiesuriya (2022). Natural rubber contributions to adaptation of climate change. https://www.researchgate.net/publication/360992907_Natural_rubber_contributions_to_adaptation_to_climate_change

16. Jessy MD, Krishnakumar R, Annamalainathan K and Jacob J. (2011). Climate uncertainties and early establishment of young rubber plants in traditional rubber growing regions of India. International Workshop Climate change and rubber cultivation: R&D priorities. http://clinic.rubberboard.org.in/PDF/matterfinal.pdf

17. Kiyono Y, Furuya N, Fujita N, Sato T, Matsumoto M, Bounthabandid S and Sanonty S. 2014. Can converting slash-and-burn agricultural fields into rubber tree (Hevea brasiliensis) plantations provide climate change mitigation? A case study in northern Laos. FFPRI Bulletin 13(3):79-88. https://www.ffpri.affrc.go.jp/pubs/bulletin/432/documents/432.pdf

18. Konrad Martin (2016). Effects of rubber cultivation on biodiversity in the Mekong Region. https://www.researchgate.net/publication/301228715_Effects_of_rubber_cultivation_on_biodiversity_in_the_Mekong_Region

19. Kusdiana, A. P. J., Alamsyah, A., Hanifarianty, S., & Wijaya, T. (2015). Estimation CO2 Fixation by Rubber Plantation. In The 2nd International Conference on Agriculture, Environment and Biological Sciences (ICAEBS’15), Bali, Indonesia.  https://www.researchgate.net/publication/319665334_Estimation_CO2_Fixation_by_rubber_plantation

20. MTIB (Malaysian Timber Industry Board (2017). Rubberwood furniture industry outlook. Global Rubber Conference 2017. 

21. Ong Chin Wei and A.R. Shamsul Bahri (2014). The introduction of rubber planting recommendations by The Rubber Research Institute of Malaysia since 1925. Journal of Biology, Agriculture and Healthcare www.iiste.org ISSN 2224-3208 (Paper) ISSN 2225-093X (Online) Vol.4, No.11, 2014. https://www.iiste.org/Journals/index.php/JBAH/article/view/12927/13268

22. Onofre S. Corpuz, Esmael L. Abas, For. Crissante Salibio (2014). Potential Carbon Storage of Rubber Plantations. Vol 2 No 02 (2014): Indian Journal of Pharmaceutical and Biological Research. https://doi.org/10.30750/ijpbr.2.2.13; https://www.researchgate.net/publication/275039404_Potential_Carbon_Storage_of_Rubber_Plantations

23. PanNature (2022a). Hỗ trợ Doanh nghiệp cao su lên phương án quản lý rừng bền vững. https://nature.org.vn/vn/2022/04/phuong-an-trong-phuc-hoi-rung-nong-truong-cao-su/

24. PanNature (2022b). Hỗ trợ Doanh nghiệp cao su lên phương án phục hồi sinh thái và đánh giá các giá trị bảo tồn. https://nature.org.vn/vn/2022/06/ho-tro-doanh-nghiep-cao-su/

25. Rachakonda Sreekar, Guohualing Huang, Mika Yasuda, Rui-Chang Quan, Eben Goodale, Richard T. Corlett & Kyle W. Tomlinson (2016). Effects of forests, roads and mistletoe on bird diversity in monoculture rubber plantations. https://www.nature.com/articles/srep21822

26. Ratnasingam J and Scholz F. 2009. Rubberwood: An industrial perspective. Washington: World Resource Institute.

27. Ratnasingam J, Ramasamy G, Wai LT, Senin AL and Muttiah N. 2015. The prospects of rubberwood biomass energy production in Malaysia.
BioResources 10(2):2526–2548. https://ojs.cnr.ncsu.edu/index.php/BioRes/article/view/BioRes_10_2_2526_Ratnasingam_Rubberwood_Biomass_Energy/3423

28. Rico Kongsager, Jonas Napier, Ole Mertz (2013). The carbon sequestration potential of tree crop plantations. https://www.researchgate.net/publication/257623333_The_carbon_sequestration_potential_of_tree_crop_plantations

29. Sahuri (2019). Carbon Stock of Rubber Based Agroforestry System. https://www.researchgate.net/publication/338172483_CARBON_STOCK_OF_RUBBER_BASED_AGROFORESTRY_SYSTEM

30. Salvatore Pinizzotto, Abdul Aziz S A Kadir, Vincent Gitz, Jerome Sainte Beuved, Lekshmi Nair, Eric Gohet, Eric Penot and Alexandre Meybeck (2021). Natural rubber and climate change: a policy paper. https://www.rubberstudy.org/sustainability

31. Salvatore Pinizzotto, Datuk Dr Abdul Aziz b S A Kadir, Vincent Gitz, Jérôme Sainte-Beuve, Lekshmi Nair, Eric Gohet, Eric Penot, Alexandre Meybeck (2020). Natural rubber systems and climate change. Proceedings and extended abstracts from the online workshop, 23 – 25 June 2020. https://agritrop.cirad.fr/598385/7/ID598385.pdf

32. Satakhun D, C Chayawat, J Sathornkich, J Phattaralerphong, P Chantuma,
P Thaler, F Gay, Y Nouvellon, and P. Kasemsap (2019). Carbon sequestration potential of rubber-tree plantation in Thailand. https://www.researchgate.net/publication/335057251_Carbon_sequestration_potential_of_rubber-tree_plantation_in_Thailand

33. Shammi Raj, P.R. Satheesh and James Jacob (2010). Has climate changed in the natural rubber growing regions of India? IRRDB Workshop on Climate Change and NR – 2010. http://clinic.rubberboard.org.in/PDF/matterfinal.pdf

34. Singh A. (2021). A planter’s experience with disease outbreaks and the challenges to achieve productivity targets. pp. 27-29. https://1library.net/document/zgk1l2vy-introduction-planter-experience-disease-outbreaks-challenges-achieve-productivity.html

35. Statista (2022). World: leading exporters of furniture 2020. https://www.statista.com/statistics/1053231/furniture-leading-exporters-worldwide/

36. Tan ZH, Zhang YP, Song QH, Liu WJ, Deng XB, Tang JW, Deng Y, Zhou WJ, Yang LY, Yu GR, Sun XM and Liang NS. (2011). Rubber plantations act as
water pumps in tropical China. Geophys. Res. Lett. Vol. 38, L24406. https://doi.org/10.1029/2011GL050006

37. Thapliyal A.P., R.P. Singh, M.J. Reju, D. Chaudhuri1 and James Jacob. Impact of climate change on natural rubber cultivation in Gharo hills of Meghalaya. IRRDB Workshop on Climate Change and NR – 2010. http://clinic.rubberboard.org.in/PDF/matterfinal.pdf

38. Tổng cục Thống kê (2022). Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2021. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2021/

39. Trần Thị Thúy Hoa (2020). Đánh giá quốc gia về các nhà sản xuất và nhà máy chế biến gỗ cao su ở Việt Nam. https://www.vra.com.vn/hoat-dong/ho-tro-hoi-vien/tai-lieu-hoi-thao-ky-thuat-du-an-thuc-day-su-tuan-thu-he-thong-dam-bao-go-hop-phap-trong-nganh-cao-su-viet-nam.12963.html

40. Trần Thị Thúy Hoa, Nguyễn Quang Vinh, Tô Xuân Phúc, Phan Trần Hồng Vân, Bùi Thị Thu Hiền, Bùi Thị Xuân Diệu, Nguyễn Hương Giang, Trịnh Thu An (2021). Chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Một số nét chính và vai trò của cao su tiểu điền. https://drive.google.com/file/d/1IN80oBDRa6AhsalSCeeAAG2KAdIM3uoa/view

41. Trần Thị Thúy Hoa, Phan Thành Dũng, Trần Minh (2020). Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cao su bền vững. http://vra.com.vn/thong-tin/an-pham/tai-lieu-huong-dan-ky-thuat-san-xuat-cao-su-ben-vung.11388.html

42. Vitharanage Harischandra Lakshman Rodrigo, Clare Maeve Stirling, Zewge Teklehaimanot, Renuka Kusum Samarasekera, Pathiranage Dharmasiri Pathirana (2005). Interplanting banana at high densities with immature rubber crop for improved water use. Agronomy for Sustainable Development, Springer
Verlag/EDP Sciences/INRA, 2005, 25 (1), pp.45-54. <hal-00886264. https://www.researchgate.net/publication/248858243_Interplanting_banana_at_high_densities_with_immature_rubber_crop_for_improved_water_use

43. VRA (Hiệp hội Cao su Việt Nam) (2022). Tình hình ngành cao su Việt Nam năm 2021. Thông tin Chuyên đề Cao su Việt Nam, Tập 01/2022, trang 6 – 16 (Bản tin nội bộ).

44. Warren-Thomas – Eleanor, Paul M. Dolman, & David P. Edwards (2015). Increasing Demand for Natural Rubber Necessitates a Robust Sustainability Initiative to Mitigate Impacts on Tropical Biodiversity. https://www.researchgate.net/publication/273957794_Increasing_Demand_for_Natural_Rubber_Necessitates_a_Robust_Sustainability_Initiative_to_Mitigate_Impacts_on_Tropical_Biodiversity

45. Zeng Xianhai, Cai Mingdao and Lin Weifu (2012). Improving planting pattern for intercropping in the whole production span of rubber tree. https://academicjournals.org/article/article1380901146_Xianhai%20et%20al.pdf

46. Zhen Ling, Zhengtao Shi, Shixiang Gu, Tao Wang, Weiwei Zhu and Guojian Feng (2022). Impact of Climate Change and Rubber (Hevea brasiliensis) Plantation Expansion on Reference Evapotranspiration in Xishuangbanna, Southwest China. https://europepmc.org/backend/ptpmcrender.fcgi?accid=PMC8928119&blobtype=pdf

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You cannot copy content of this page