Sign In

Vietnam – International ESG & Sustainability Alliance

Blog

Latest News
Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tái chế sản phẩm, bao bì

Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tái chế sản phẩm, bao bì

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2024, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc-quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì (thương phẩm) sẽ phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu sau khi người tiêu dùng thải bỏ.

Thống kê của Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy: Hiện nay, các loại nhựa làm bao bì ở Việt Nam đã thu hồi và tái chế đạt hơn 70%; lon nhôm thu hồi và tái chế hơn 80%. Tuy nhiên, việc tái chế chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở ở các làng nghề thủ công cho nên chất lượng tái chế thấp, không đạt quy cách tái chế như quy định.

Ðáng lo ngại, chất thải ở Việt Nam ngày một gia tăng nhanh hơn so với tốc độ phát triển của các cơ sở hạ tầng và quản lý. Các bãi chôn lấp tại nhiều địa phương, nhất là tại các thành phố lớn, khu vực đô thị đang trong tình trạng quá tải, trong khi đó việc xây dựng các bãi chôn lấp mới và lò đốt rác vừa tốn kém chi phí, vừa gặp phải sự phản ứng của cộng đồng do lo ngại vấn đề ô nhiễm.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Vũ Minh Lý, EPR là công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và là cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải. Ðồng thời, thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về môi trường. Tại Việt Nam, mặc dù ý tưởng về EPR đã được thể chế hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Tuy nhiên, 18 năm qua, quy định EPR chưa được thực thi hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do trước đây mô hình này hoàn toàn tự nguyện. Việc áp dụng tự nguyện mà không bắt buộc làm cho mô hình EPR trước đây không phát huy được tác dụng mong muốn; không tạo ra cơ chế tài chính bền vững cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng; không có tác động đến quá trình sử dụng nguyên liệu, thiết kế sản phẩm để thu hồi, kéo dài vòng đời sản phẩm…

Trước xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, thì việc bắt buộc áp dụng EPR là cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Trước đây, Luật chỉ quy định trách nhiệm thu hồi và xử lý các sản phẩm thải bỏ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thì nay theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nội dung này đã được thay đổi cách tiếp cận trong đó nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì đối với sáu nhóm sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế và thu gom, xử lý chất thải đối với sáu nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải.

EPR đã được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết thi hành tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ. Theo lộ trình, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin, ắc-quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Nhà sản xuất nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông (ô-tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027. Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu sáu nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2024.

Thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các bộ, ngành có liên quan hoàn thành các quy định, thiết chế liên quan để thực hiện EPR như: Thành lập Hội đồng EPR quốc gia, Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (gọi tắt là Fs); xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, xây dựng Cổng thông tin EPR quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng hệ thống đăng ký, kê khai, báo cáo trực tuyến, từ hệ thống này các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia mà không phải gửi bản giấy về Bộ; tổ chức các lớp phổ biến, tập huấn cho các nhà sản xuất, nhập khẩu, nhà tái chế trên cả nước.

Về phía các nhà sản xuất, nhập khẩu cũng đã có những bước tiến quan trọng trong thực hiện EPR. Ðiển hình năm 2021, đánh dấu lần đầu tiên chín doanh nghiệp lớn trên thị trường là: TH Group với thương hiệu TH True milk, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation đã thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (gọi tắt là PRO Việt Nam), với sứ mệnh phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.

Mới đây, Công ty Vietcycle và Tập đoàn ALBA Châu Á ký kết hợp tác xây dựng nhà máy tái chế với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 50 triệu USD, công suất lên đến 48.000 tấn/năm. Nhà máy tái chế sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến từ Ðức, tái chế ra nhựa PET (được sử dụng trong sản xuất chai nhựa, hộp đựng…) đạt chuẩn quốc tế. Ðây là nhà máy đầu tiên tại miền bắc tái chế ra sản phẩm nhựa có thể sử dụng đựng thực phẩm.

Các chuyên gia, nhà quản lý lĩnh vực môi trường cho rằng, để việc thực hiện EPR có hiệu lực, hiệu quả, bền vững ở Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia cần tăng cường trao đổi, chia sẻ, giải đáp các vấn đề liên quan của các hiệp hội và doanh nghiệp trong thực hiện quy định chi tiết về trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu như: Ðối tượng, hình thức thực hiện, lộ trình, đăng ký, kê khai và báo cáo kết quả tái chế, chế tài xử lý vi phạm, tham vấn đề xuất định mức tái chế (Fs)… Qua đó, giúp các doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trong suốt vòng đời của sản phẩm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You cannot copy content of this page