Nghịch lý của bao bì bền vững
Từng bị trả lại lô hàng xuất khẩu sang Mỹ do bao bì không có khả năng tái chế, Công ty MT Food phải tìm kiếm đơn vị cung ứng mới, chuyển sang sử dụng bao bì làm từ giấy 100%.
Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Minh Thùy, Giám đốc MT Food, cho biết, doanh nghiệp này vẫn đặt ra câu hỏi rằng liệu có bao bì nào tốt hơn giấy? Bởi lẽ, đối tác nước ngoài đang đặt vấn đề sản xuất bao bì giấy đồng nghĩa với việc chặt cây, phá rừng.
Đó cũng là câu hỏi chung của nhiều doanh nghiệp đang tiêu tốn tiền của đầu tư sản xuất và sử dụng các loại bao bì bền vững nhưng vẫn không biết rằng liệu bao bì của mình có thực sự bền vững?
Thế nào là bao bì bền vững?
Công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đang được Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới triển khai, đặt yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu phải chịu trách nhiệm thu gom và tái chế rác thải phát sinh từ sản phẩm, bao bì sau khi được sử dụng bởi người tiêu dùng.
Doanh nghiệp có quyền lựa chọn tự tổ chức thu gom, tái chế, thuê bên thứ ba hoặc đóng tiền để thực thi EPR. Thông thường, mức tiền đóng góp sẽ cao hơn chi phí thu gom, tái chế để tạo động lực cho doanh nghiệp tự tổ chức, hoặc giải pháp lâu dài hơn là thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện với môi trường.
Tại Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu của EPR, yêu cầu của các thị trường xuất khẩu cũng như thực hiện trách nhiệm với môi trường, xã hội, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các sáng kiến nhằm bền vững hóa bao bì đóng gói sản phẩm.
Tuy nhiên, nhiều trong số các giải pháp đó, nếu đi cặn kẽ, chưa chắc đã đảm bảo được tính bền vững.
Giải pháp phổ biến được các doanh nghiệp áp dụng phải kể đến là bao bì có khả năng phân hủy sinh học. Mới đây, tại một sự kiện về bao bì thực phẩm, một doanh nghiệp cho biết đã đầu tư sản xuất túi tinh bột có thể phân hủy sinh học (compostable).
Doanh nghiệp cho biết, khi thải ra môi trường, loại bao bì này có thể phân hủy 100% thành nước, mùn hữu cơ và CO2.
“Phân hủy hữu cơ” là cụm từ rất được người tiêu dùng đón nhận bởi “nghe có vẻ” như ít gây hại hơn so với nhựa. Tuy nhiên, như thông tin doanh nghiệp cung cấp, loại bao bì này khi thải ra môi trường vẫn gây hại bởi phân hủy tạo ra khí thải nhà kính (CO2).
Chưa kể, các loại rác phân hủy nếu xả ra nguồn nước, quá trình phân hủy sẽ hút bớt khí oxi trong nước, gây ra hiện tượng sinh vật thủy sinh chết hàng loạt. Một số loại còn tạo ra khí thải CH4, có hại cho bầu khí quyển gấp hàng chục lần CO2.
Một loại bao bì phân hủy rất được ưa chuộng là nhựa phân hủy sinh học, được quảng cáo là có đầy đủ đặc tính của nhựa nhưng có khả năng phân hủy. Bên cạnh những hệ lụy nếu bị xả thải không đúng cách, loại bao bì này còn có nguy cơ lẫn vào trong rác thải nhựa thông thường, rất khó để phân loại và có thể ảnh hưởng đến chất lượng tái chế.
“Chúng tôi đề xuất không nên sử dụng bao bì nhựa phân hủy sinh học nếu Việt Nam định hướng phát triển ngành công nghiệp tái chế”, một nhà tái chế nhiều năm kinh nghiệm nói với phóng viên.
Bên cạnh bao bì phân hủy sinh học, giải pháp được một số doanh nghiệp áp dụng là làm mỏng đi các chai nhựa để giảm lượng nhựa phát sinh ra môi trường. Giải pháp này vấp phải phản ứng trái chiều từ một số đơn vị thu gom và tổ chức cộng đồng hỗ trợ người thu gom rác thải phi chính thức.
Các đơn vị này lập luận, chai nhựa mỏng đi đồng nghĩa với việc khối lượng của mỗi chai nhựa giảm xuống. Vì vậy, người đồng nát, ve chai có thể phải vất vả gấp nhiều lần để nhặt đủ khối lượng nhựa nhằm đảm bảo thu nhập cho bản thân.
Làm sao để theo đuổi bao bì bền vững?
Các giải pháp kể trên không phải là hoàn toàn có hại. Bởi lẽ, các loại bao bì phân hủy sinh học nếu được thu gom đúng cách có thể được xử lý thông qua các quy trình kinh tế tuần hoàn dành cho chất thải hữu cơ để tạo ra phân bón hoặc nuôi ấu trùng làm thức ăn chăn nuôi.
Còn giải pháp “chai nhựa mỏng đi” giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm khai thác tài nguyên nguyên sinh, về lâu dài có thể giảm bớt giá thành sản xuất dù ngắn hạn chi phí sẽ cao hơn do phải đầu tư đổi mới công nghệ.
Trên thực tế, không có một giải pháp nào thực sự toàn diện. Cũng giống như bất kỳ sản phẩm nào, bao bì có thực sự bền vững hay không phải được đánh giá trong suốt cả vòng đời và chuỗi cung ứng, bao gồm các hoạt động từ khai thác, sản xuất, vận chuyển cho đến thải bỏ, thu gom và xử lý.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để thực hiện báo cáo phân tích vòng đời (Life Cycle Assessment – LCA). Có một cách đơn giản hơn, đó là doanh nghiệp cần phải thấu hiểu triết lý của mô hình kinh tế tuần hoàn, dựa vào đó đưa ra giải pháp thiết kế lại sản phẩm sao cho phù hợp với điều kiện thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng.
Đơn cử, một số thương hiệu nước giải khát lớn tại Việt Nam như Coca Cola, La Vie đã thiết kế nắp chai nước có khớp và loại bỏ phần nylon làm màng co nắp chai, giúp giảm một lượng không nhỏ rác thải nhựa khó thu gom ra môi trường.
Một số giải pháp khác đang được các đơn vị cung ứng bao bì đưa ra có thể kể đến như sử dụng bao bì tái chế, sử dụng loại nhãn dán có thể dễ dàng tách ra khỏi bao bì hay thiết kế các cấu kiện của bao bì có cùng chất liệu.
Để nhân rộng những giải pháp này, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách xuyên suốt và đồng nhất để thiết lập quy chuẩn và tiêu chuẩn cho bao bì bền vững. Có chính sách ràng buộc cũng là động lực để doanh nghiệp tích cực hơn trong việc triển khai các giải pháp bao bì bền vững, tránh “đợi nhau” vì sợ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Theo The Leader