Mô hình EPR của Nhật Bản trở thành hình mẫu cho châu Á
Trong xử lý rác thải nhựa, Nhật Bản đã nổi lên như một hình mẫu của châu Á trong việc kiểm soát việc mở rộng dịch vụ thu gom rác thải đến các vùng nông thôn. Một trong những thành công là Nhật Bản áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) khá hiệu quả.
Sự ra đời của EPR Nhật Bản
Dịch vụ thu gom rác thải đã được cung cấp cho hầu hết các hộ dân ở Nhật Bản từ lâu. Tuy nhiên, vào năm 1961, tỷ lệ thu gom rác tại nước này chỉ mới đạt khoảng 46,6%. Đến những năm cuối thập niêm 1970, con số này đã tăng lên 92,6%. Nguyên nhân của sự chuyển động này là do chính quyền trung ương ở Nhật Bản đã tăng trợ cấp cho chính quyền địa phương để đầu tư vào các phương pháp xử lý chất thải như nhà máy đốt rác, nhà máy biến rác thải thành năng lượng và bãi chôn lấp. Các hoạt động này được Nhật Bản chú trọng và thực hiện ngay từ những năm 1960.
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng thúc đẩy hợp tác liên thành phố về quản lý chất thải do nhận thấy hiệu quả kinh tế khi mở rộng quy mô các nhà máy và bãi chôn lấp rác thải năng lượng. Từ đó, khoảng 537 hiệp hội liên thành phố về quản lý chất thải được thành lập trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến năm 1979.
Vào nửa cuối những năm 1980, lượng rác thải sinh hoạt và công nghiệp ở Nhật Bản bắt đầu tăng lần lượt với tỷ lệ 21% và 26% do tăng trưởng kinh tế và xu hướng sử dụng nhựa tăng cao. Thời điểm này, Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng thiếu bãi chôn lấp và tình trạng đổ chất thải công nghiệp trái phép.
Theo đó, chính phủ Nhật Bản đã tiến tới thúc đẩy các hoạt động tái chế rác thải. Năm 1991, Nhật Bản thông qua Luật Khuyến khích sử dụng tài nguyên tái chế.Theo luật này, chính phủ yêu cầu các ngành công nghiệp thực hiện thiết kế tái chế và dán nhãn chất thải để phân loại, thu gom riêng.
Sau đó, tới khoảng năm 1995, chính phủ Nhật Bản lần đầu thử nghiệm mô hình trách nghiệm mở rộng đối với nhà sản xuất (EPR) dựa trên Đạo luật Khuyến khích thu gom đã phân loại và tái chế các thùng chứa và bao bì. Theo Đạo luật này, các nhà sản xuất sử dụng hộp đựng và bao bì sẽ phải trả phí tái chế cho Hiệp hội Tái chế Bao bì và Hộp đựng Nhật Bản, một tổ chức do chính phủ chỉ định, chịu trách nhiệm giám sát các dịch vụ tái chế. Đạo luật cũng yêu cầu người tiêu dùng thu gom vật liệu tái chế và cho phép các chính quyền thành phố cũng như nhà sản xuất thực hiện các chương trình tái chế riêng.
Ví dụ, một nhà sản xuất khay polystyrene đựng sashimi và sushi sẽ áp dụng các chương trình tái chế riêng. Trong đó, người tiêu dùng sẽ phải rửa lại các khay polystyrene đã qua sử dụng, sau đó đem khay tới bỏ vào các thùng rác được quy định riêng tại siêu thị hoặc nhà hàng. Khi xe tải giao các khay mới đến cửa hàng, họ sẽ đem những khay đã qua sử dụng đi. Các khay này được tái thế thành khay polystyrene mới, với bề mặt được phủ bằng nhựa nguyên sinh.
Vào năm 1997, Nhật Bản mở rộng mô hình EPR, bao gồm cả chai thủy tinh và polyethylene terephthalate (PET). Tiếp đó, năm 2000, EPR được áp dụng cho các túi đựng bằng giấy và nhựa.
Với mô hình này, tính đến năm 2023, 87% rác thải nhựa ở Nhật Bản được xử lý bằng phương pháp tái chế hoặc thu hồi nhiệt.
Nhật Bản là một trong những nước có mô hình xử lý rác thải nhựa thành công ở châu Á. Ảnh: East Asia Forum
Chú trọng xác định nguồn và loại nhựa
Dựa trên kinh nghiệm của mình, Nhật Bản cho biết điều quan trọng của quá trình xử lý rác thải là xác định nguồn và loại nhựa, qua đó áp dụng các biện pháp phù hợp.
Trong năm tài khoá 2020, công ty khởi nghiệp Pirika và các tổ chức đối tác của Nhật Bản – bao gồm 20 chính quyền địa phương và hai trường đại học, đã thực hiện một cuộc khảo sát về vi nhựa trên sông hồ bởi. Kết quả khảo sát chỉ ra cỏ nhân tạo và viên phân bón tan chậm là loại vi nhựa chính ở Nhật Bản, với tỷ lệ lần lượt là 23,4% và 15%. Ngay sau đó, Liên đoàn các Hiệp hội Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản đã quyết định thay thế các viên nang phân bón làm từ nhựa không phân hủy sinh học bằng viên nang nhựa phân hủy sinh học.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn rất quan tâm tới vấn đề nguồn rác thải nhựa. Vào năm 2022, nước này bắt đầu thực hiện Đạo luật Thúc đẩy lưu thông tài nguyên đối với nhựa, hướng tới thúc đẩy tái chế các loại chất thải nhựa ngoài bao bì và hộp đựng, chẳng hạn như đồ chơi bằng nhựa và móc treo quần áo.
Đạo luật cũng thúc đẩy các hoạt động tái chế sản phẩm nhựa khác. Trong đó Đạo luật đã đề ra quy định đối với các nhà hàng và nhà bán lẻ trong việc cung cấp miễn phí dao kéo, máy khuấy và ống hút bằng nhựa cho khách hàng. Luật cũng có quy định về việc cung cấp bàn chải đánh răng dùng một lần, dao cạo râu và các vật dụng khác trong khách sạn.
Tái chế và thay thế bằng các vật liệu khác là các biện pháp vô cùng quan trọng trong mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, các biện pháp này khó có thể được thực hiện thành công chỉ trong gian ngắn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Quản lý chất thải hiệu quả phụ thuộc vào việc nâng cao năng lực trong khu vực, giảm thiểu việc sử dụng nhựa, thực hiện và thúc đẩy tái chế thông qua các chương trình EPR. Kinh nghiệm của Nhật Bản được coi là cơ sở cho các sáng kiến tương tự nhằm giải quyết vấn đề này ở Đông Nam Á.
Minh Hạnh (Tổng hợp từ East Asia Forum)