Định mức chi phí tái chế (Fs) – Cần sớm ban hành
(TN&MT) – Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện Dự thảo định mức chi phí tái chế Fs và trình Chính phủ ban hành. Fs là chìa khóa thực hiện quy định trách nhiệm tái chế trong EPR, chính vì vậy, quy định này cần sớm được ban hành và triển khai mạnh mẽ.
Fs – cần hiểu đúng
Theo ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), trong quá trình thực thi EPR, một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm chính là định mức Fs. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đúng bản chất của Fs và cho rằng mức Fs được đề xuất là cao. Do đó, trong quá trình chờ các chính sách về EPR được phê duyệt, việc tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu đúng bản chất của Fs là cần thiết.
Về bản chất, giá chi phí tái chế là do các doanh nghiệp sản xuất và đơn vị tái chế thương lượng, quyết định. Còn mức Fs được đề xuất hiện nay là kết quả được tính toán sau quá trình khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp và các cơ sở tái chế ở cả hai miền Nam, Bắc. Mức phí này căn cứ dựa trên công nghệ, kết quả xử lý, phù hợp với quy cách tái chế bắt buộc được nêu tại Phụ lục 202 của Nghị định 08/2022/ NĐ-CP. Trong quá trình xác định được giá phổ quát, đơn vị xây dựng chính sách còn áp dụng thêm cả hệ số điều chỉnh để Fs đề xuất thấp hơn mức tính toán được sau khi làm khảo sát.
Ngoài ra, Fs chỉ có vai trò giúp Nhà nước xác định được mức tiền mà doanh nghiệp phải đóng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện trách nhiệm EPR của họ trong trường hợp họ không tự tổ chức tái chế.
Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tổ chức tái chế, thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho đơn vị khác tái chế, hoặc kết hợp tất cả các phương án trên. Nếu họ thấy mức đóng Fs cao hơn mức phí của các phương án khác thì họ hoàn toàn có thể chủ động chọn phương án phù hợp nhất. Do vậy, có thể khẳng định, việc doanh nghiệp cho rằng mức phí Fs cao là không có cơ sở, nhất là sau khi đã được áp dụng thêm cả hệ số điều chỉnh.
Nhà nước bao giờ cũng đưa ra một định mức nhất định để làm căn cứ xác định mức chi phí tái chế, đó chính là vai trò của Fs.
Cần sớm được ban hành
Theo ông Phan Tuấn Hùng, trong quá trình xây dựng Fs, Bộ TN&MT nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều hiệp hội đã gửi kiến nghị đến Bộ và Chính phủ đề xuất giảm Fs vì cho rằng Fs cao sẽ làm tăng giá sản phẩm, hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia lại cho rằng, nếu mức Fs thấp quá, thì không thể thu hút các doanh nghiệp tái chế, vì Fs ảnh hưởng đến chi phí tái chế thực tế. Thêm vào đó, nếu giá Fs thấp mà giá tái chế cao, thì các nhà sản xuất sẽ đặt câu hỏi, kết quả là các nhà tái chế lại phải điều chỉnh bảng phí tái chế, dẫn đến việc nhà tái chế phải hạ thấp giá thành, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tái chế và quá trình sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tái chế. Nói cách khác, nó sẽ là quá trình chạy đua xuống đáy của hoạt động tái chế – điều này thực sự nguy hiểm cho nền kinh tế tái chế còn non trẻ ở Việt Nam.
Tiếp thu các luồng ý kiến này, Bộ TN&MT đã hoàn thiện dự thảo định mức Fs đúng, đủ, phù hợp với tình hình thực tế và đang trình Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, EPR nói chung và định mức Fs nói riêng là chính sách rất mới ở Việt Nam, còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa được ban hành.
Việc chậm ban hành Fs sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Bởi, theo quy định, trước ngày 20/4 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có định mức Fs, các doanh nghiệp lựa chọn hình thức đóng góp tài chính sẽ chưa thể thực hiện nghĩa vụ này. Việc chậm trễ ban hành định mức Fs còn làm ảnh hưởng đến hoạt động ký kết hợp đồng giữa các đơn vị tái chế được thuê hoặc được ủy quyền với nhà sản xuất, nhập khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp hiện mới dừng lại ở bước lựa chọn đối tác, ký kết biên bản ghi nhớ chứ chưa thống nhất đơn giá để ký kết hợp đồng.
Ngoài ra, Fs chưa được ban hành sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia. Bởi, Văn phòng này thành lập để phục vụ doanh nghiệp, không sử dụng ngân sách nhà nước, mà vận hành bằng ngân sách đóng góp (1%) của doanh nghiệp và một phần lãi phát sinh.
Chính vì vậy, có thể khẳng định, khi chưa có định mức Fs, chính sách EPR chưa thể thực thi một cách trọn vẹn. Theo ông Phan Tuấn Hùng, vì chưa có Fs nên nghĩa vụ đóng tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2024 của các doanh nghiệp sẽ bị chậm. Các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ này ngay sau khi Fs được ban hành. Tuy nhiên, việc chậm ban hành Fs là ở phía quản lý, chính vì vậy, các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính sẽ không bị coi là vi phạm và không bị xử phạt hành chính.
Bà Mette Moglestue – Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam:
Thường xuyên đối thoại, hài hòa lợi ích khi thực hiện EPR
Na Uy đánh giá rất cao tham vọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, cũng như là chuyển đổi xanh. EPR là một trong những biện pháp để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu này. Theo kinh nghiệm của Na Uy, việc đặt ra những mục tiêu tham vọng về mặt chính sách là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi không ngại đưa ra những quy định cao về mặt chính sách để qua đó có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chính sách EPR là một điển hình.
Các doanh nghiệp có thể kêu khó khăn, tuy nhiên trên thực tế họ vẫn có thể thực hiện hiệu quả được các quy định, cũng như các chính sách đầy tham vọng của Nhà nước về các tiêu chuẩn cũng như chỉ tiêu EPR mà vẫn có thể kinh doanh thành công. Đây không chỉ là kinh nghiệm ở Na Uy, mà là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Để có được chính sách EPR phù hợp và đảm bảo thực thi thành công chính sách này, Chính phủ Na Uy đã và đang thường xuyên tham vấn, đối thoại với tất cả các bên liên quan, trong đó có các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân và cả báo chí nữa để chúng tôi đảm bảo quyền lợi và cải thiện chính sách.
Hiện Việt Nam đã xây dựng chính sách EPR khá hoàn chỉnh, điều này rất đáng hoan nghênh. Đây là một khởi đầu tốt và Việt Nam nên từng bước triển khai và dần cải thiện chính sách của mình để đảm bảo thực thi có hiệu quả các quy định EPR.
Bà Quách Thị Xuân – Điều phối viên của Liên minh không rác thải Việt Nam:
Fs phải được phản ánh trong giá thành sản phẩm
Hiện nay, chất thải ngày càng gia tăng với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp và nguy hiểm cho môi trường, cho hệ sinh thái và cho con người, đặc biệt là nguy cơ do chất thải nhựa gây ra. Có thể thấy, mức độ sử dụng nhựa ở nước ta tăng nhanh, khoảng 3,8kg/người/năm 1990 lên khoảng 63kg/người/năm năm 2019 (gấp gần 17 lần sau hơn 30 năm). Bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng khoảng 500 túi ni – lông một năm, riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và ni – lông. Lượng chất thải nhựa và túi ni – lông thải bỏ ở Việt Nam lên hơn 2,6 triệu tấn/năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường và dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng” mà các chuyên gia đã gọi.
Theo quan sát và tìm hiểu của Liên minh không rác, nếu chúng ta không có cơ chế khuyến khích chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, không có cơ chế hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế đối với chất thải nhựa nói chung và bao bì nhựa nói riêng thì không thể hạn chế được tình trạng gia tăng chất thải nhựa hiện nay. Đặc biệt nếu Fs đối với chất thải nhựa thấp thì sẽ không đủ để khuyến khích, thúc đẩy các nhà sản xuất thay đổi thiết kế bao bì, không khuyến khích hoạt động thu gom, xử lý chất thải nhựa.
Là một người tiêu dùng, tôi mong muốn Fs được phản ánh trong giá thành sản phẩm, khi đó giá một số loại sản phẩm có thể tăng nhưng sẽ góp phần đưa điểm cân bằng cung cầu về đúng vị trí của nó, bởi hiện nay giá một số sản phẩm còn rẻ khiến người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nhựa nhiều quá mức cần thiết, gây ra tổn thất lớn cho xã hội và môi trường. Chúng ta biết rằng nếu chỉ dựa vào tái chế thì không thể giải quyết được ô nhiễm nhựa, nên quan trọng là phải hạn chế phát sinh rác thải nhựa và giá cả sản phẩm có tính đủ phí EPR là một trong những yếu tố chính quyết định hành vi giảm tiêu dùng – xả thải.
Ông Hứa Phú Doãn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam:
Fs phù hợp sẽ khuyến khích tái chế bền vững
Chúng ta phải hiểu việc tái chế theo đúng nghĩa của nó trong đó đặc biệt là các yêu cầu nghiêm ngặt về công nghệ tái chế để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. Điều này rất quan trọng trong hoạt động tái chế, nhưng hiện nay do tiết kiệm chi phí mà rất nhiều nơi hoạt động tái chế không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của công nghệ tái chế trong đó có khâu xử lý môi trường. Chính vì vậy, chi phí tái chế Fs phải phù hợp với thực trạng mong muốn của Việt Nam trong tái chế là phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong công nghệ tái chế, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, chi phí đầu tư cũng như các chi phí liên quan đến việc tái chế khá cao. Nếu Fs thấp sẽ không thể tạo động lực tài chính để thúc đẩy các nhà tái chế đầu tư tái chế các sản phẩm, bao bì hiện không được hoặc ít được tái chế (như pin, ắc quy, phế liệu thủy tinh như bóng đèn…) do không có lợi nhuận đáng kể. Nếu chúng ta để Fs thấp như hiện nay sẽ có nguy cơ thiếu hụt các nhà tái chế mẫu mực, cũng như dẫn đến sự gian dối, cẩu thả trong công nghệ tái chế, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và sự phát triển công nghệ tái chế trong cả nước.