Sign In

Blog

Latest News
Định giá carbon: Những con số đáng chú ý

Định giá carbon: Những con số đáng chú ý

Định giá carbon là công cụ quan trọng góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với nhiều dạng và hình thức khác nhau như thuế carbon; hệ thống giao dịch khí thải (ETS); định giá carbon nội bộ (ICP); cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…

Một số thông tin thú vị về định giá carbon, cập nhật số liệu từ báo cáo “Hiện trạng và xu hướng định giá carbon năm 2022” của Ngân hàng Thế giới (State and Trends of Carbon Pricing 2022, World Bank) – mời bạn cùng tham khảo.

Doanh thu 84 tỷ USD

Doanh thu định giá carbon toàn cầu năm 2021 lập kỷ lục với khoảng 84 tỷ USD, tăng khoảng 31 tỷ USD so với năm 2020 – tương đương mức tăng gần 60%. Doanh thu tăng phần lớn do giá carbon cao hơn, bao gồm ở cả Hệ thống thương mại khí thải Liên minh châu Âu (EU-ETS), nơi chiếm tới khoảng 41% tổng doanh thu định giá carbon toàn cầu, cũng như New Zealand ETS và chương trình mua bán phát thải California. Giá thuế carbon và ETS đạt mức kỷ lục ở nhiều khu vực pháp lý, được thúc đẩy bởi các chính sách khí hậu đầy tham vọng cũng như các yếu tố kinh tế như giá năng lượng.

Đặc biệt, năm 2021, doanh thu từ ETS tăng vọt với 56 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua doanh thu từ thuế carbon, chiếm tới 67% tổng doanh thu định giá carbon toàn cầu. Nó cho thấy sự gia tăng nhanh chóng cả về giá trị cũng như tỷ trọng của ETS. Năm 2016, doanh thu từ ETS chiếm 26% tổng doanh thu định giá carbon, sau đó tăng lên 34% vào năm 2017, đạt 47% vào năm 2018-2019 và tương đương tỷ trọng với thuế carbon (đạt 49%) vào năm 2020.

Tính đến tháng 3/2022, giá tín chỉ carbon dựa trên loại bỏ khí thải (như thu giữ carbon và trồng rừng) đã tăng 48% trong 6 tháng qua, tăng lên 19 USD/tín chỉ. Các tín chỉ giảm hoặc tránh phát thải có giá thấp hơn, chỉ đạt khoảng 40% mức giá này.

Thuế carbon cũng tăng trong năm 2021 và đầu năm 2022, tăng trung bình khoảng 6 USD/tấn vào năm 2021 và thêm 5 USD/tấn kể từ tháng 4/2022. Hầu hết mức tăng giá quan sát được là do những thay đổi đã được lên kế hoạch, hoặc do tỷ giá điều chỉnh. Một số khu vực pháp lý cũng đã thiết lập quỹ đạo giá tham vọng hơn trong những năm tới. Chẳng hạn như Singapore dự định sẽ tăng dần mức thuế carbon từ mức 5 đôla Singapore (SGD) lên 25 SGD/tấn (tương đương 18 USD) vào năm 2024-2025 và 45 SGD (33 USD)/ tấn vào năm 2026-2027, sau đó 50-80 SGD (37-59 USD)/tấn vào năm 2030.

Mức tăng ấn tượng của doanh thu định giá carbon cho thấy tiềm năng phát triển của công cụ này. Nó cũng thể hiện vai trò của định giá carbon như một công cụ tài khóa để đóng góp cho các mục tiêu chính sách rộng lớn hơn, như hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, hỗ trợ các khu vực và cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với các tác động của khí hậu và đạt được những bước chuyển tiếp.

Tuy nhiên, giá carbon được nhận định vẫn đang thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đạt được các mục tiêu về khí hậu của Thỏa thuận Paris. Để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C, giá carbon cần ở trong phạm vi 50-100 USD/tấn. Trong khi đó, với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 – mốc cần thiết cho giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C thì ước tính giá carbon cần trong khoảng 50-250 USD/tấn, trung bình là 100 USD/tấn.

68 công cụ định giá carbon

Tính đến tháng 4/2022, có 68 công cụ định giá carbon đang hoạt động trên toàn cầu với 3 công cụ khác đang được lên kế hoạch thực hiện. Định giá carbon đang bao trùm khoảng 23% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Trong một năm qua (tính từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022), có một loại thuế carbon mới (ở Uruguay) và ba ETS mới đã đi vào hoạt động – ở Oregon, New Brunswick và Ontario. Ngoài ra, các công cụ định giá carbon cũng đã được lên kế hoạch thực hiện tại Indonesia, Áo và bang Washington (Mỹ).

Một số quốc gia, khu vực khác đã công bố ý định phát triển định giá carbon như Israel, Malaysia, Botswana; trong khi Việt Nam đã vạch ra lộ trình để thiết lập ETS. Một số khu vực pháp lý khác ở châu Phi, Trung Âu và châu Á cũng đang tiếp tục đánh giá tiềm năng thực hiện định giá carbon.

Bản đồ thuế carbon và ETS trên toàn cầu (Nguồn ảnh: World Bank, Việt hóa: Vũ Phong Energy Group)

Thị trường carbon tự nguyện: vượt 1 tỷ USD

Thị trường tín chỉ carbon tăng 48% vào năm 2021. Đặc biệt, lần đầu tiên tổng giá trị của thị trường carbon tự nguyện vượt 1 tỷ USD (vào tháng 11/2021). Khối lượng tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường tự nguyện đạt trên 362 triệu tín chỉ, tăng hơn 92% so với năm 2020.

Động lực chính thúc đẩy thị trường carbon tự nguyện là các mục tiêu về môi trường của các doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp cam kết khử carbon trong chuỗi giá trị, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0. Sự ra đời của Liên minh tài chính Glasgow vì cân bằng khí thải (GFANZ) với tập hợp khoảng 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư trên toàn thế giới cam kết sẽ đặt vấn đề hạn chế biến đổi khí hậu làm trọng tâm trong hoạt động của mình, càng củng cố xu hướng này.

Nhu cầu tín chỉ carbon được dự báo sẽ tăng gấp 15 lần, lên 1,5-2 GtCO2 mỗi năm vào năm 2030 và tăng 100 lần lên 7-13 GtCO2 vào năm 2050.

Định giá carbon nội bộ: 0,8-6.000 USD/tấn

Các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm áp dụng cơ chế định giá carbon nội bộ. Trong số các công ty công khai với CDP vào năm 2021, 16% báo cáo rằng họ đã thực hiện định giá carbon nội bộ và 19% cho biết họ có kế hoạch thực hiện mức giá như vậy trong hai năm tới. Nếu tính trong cả năm 2020 và 2021, số lượng báo cáo về việc sử dụng định giá carbon nội bộ đã tăng 16%.

Định giá carbon nội bộ được báo cáo nằm trong khoảng từ 0,8-6.000 USD/tấn, tuy nhiên phần lớn vẫn ở dưới mức 50-100 USD/tấn – mức giá mà chuyên gia kinh tế cho rằng cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Trong số khoảng 950 công ty tiết lộ định giá carbon nội bộ cho CDP, 68% hiện đang áp dụng mức giá từ 50 USD/tấn trở xuống và 18% áp dụng mức giá từ 50-100 USD/tấn. Chưa đến 100 công ty áp dụng mức giá trên 100 USD/tấn.

Nguồn : ESG Education & Business

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You cannot copy content of this page